lúc càng tệ hơn và khó gỡ hơn. Nếu chúng ta hiểu biết rằng không có cái ‘ta’ cái
‘ngã’ nào hết, hiểu biết rằng thân và tâm thực sự là vô chủ thể, thực sự là vô-ngã
(anattā) như Đức Phật đã nói rõ; nếu hiểu biết được điều này thì chúng càng suy
xét điều tra thêm nữa vào tất cả mọi sự mọi thứ khác trên đời để cuối cùng chúng
ta có thể đi đến giác ngộ về cái lẽ thực vô-ngã bên trong mọi sự sống. Chúng ta sẽ
thực thụ chứng ngộ rằng không có một cái ‘ta’ cố định nào và không có một cái
‘ai’ cố định nào. ‘Ta’, ‘người đó’, ‘ông A’, ‘bà B’, ‘họ’...thực sự chỉ là những tên
gọi và quy ước của thế tục để chúng ta dễ giao lưu và sinh tồn. Khoái cảm chỉ là
khoái cảm. Cảm giác chỉ đơn thuần là cảm giác. Trí nhớ chỉ là trí nhớ. Ý nghĩ chỉ
là ý nghĩ. Tất cả mọi thứ 'đơn thuần' chỉ là vậy. Sướng chỉ là sướng; khổ chỉ đơn
giản là khổ. Thiện chỉ là sự thiện, ác chỉ là sự ác. Tất cả mọi thứ đều đơn thuần có
mặt như vậy. Đích thực, không có cái khổ thực sự hay cái sướng thực sự. Chúng
chỉ đơn giản là những trạng thái mà thôi. Chỉ là trạng thái sướng, chỉ là trạng thái
khổ; chỉ là sự nóng, chỉ là sự lạnh; chỉ là một ‘con người’ hay một ‘cá thể’ được
quy ước như vậy. Quý vị cần phải tu tập quán xét để nhìn thấy tất cả những thứ
đó chỉ là vậy; cùng lắm cũng chỉ là vậy, tốt lắm cũng chỉ là vậy. Chỉ là đất, chỉ là
nước, chỉ là nhiệt, chỉ là khí. Chúng ta phải “đọc” được những thứ đó, chúng ta
phải hiểu biết được những thứ đó chỉ-là-như-vậy; chúng ta phải quán xét điều tra
ngay điểm này. Cứ tu tập như vậy rồi sau này sự nhận thức của chúng ta sẽ thay
đổi; chúng ta sẽ có một cảm nhận khác hẳn về những thứ đó. Một sự quyết kết và
cam kết chắc chắn rằng không có một cái ‘ta’ hay cái ‘ngã’ cố định nào, và rồi từ
từ tất cả mọi thứ dính líu với khái niệm ‘cái ta’ sẽ dần dần được tháo gỡ và dẹp
bỏ. Một khi cách nhận thức (tưởng, tâm tưởng) cũ trước giờ của chúng ta đã được
tháo bỏ thì cách nhận thức mới ngược lại sẽ khởi sinh và tăng trưởng một cách
đều đặn, chắc chắn.
Khi sự giác ngộ về tính vô-ngã (anattā) đến được mức trọn vẹn thì chúng ta
có khả năng liên hệ với tất cả mọi thứ trên thế gian – với tất cả những của cải, tài
sản và những ràng buộc mà chúng ta trân quý nhất trên đời, với những quan hệ
người thân và bạn bè, gia tài, sự thành đạt, danh phận và địa vị - chúng ta coi tất
cả đều là những thứ có rồi mất, không có gì là ‘của ta’ cả, chỉ giống như quần áo.
Khi quần áo còn mới chúng ta mặc; khi chúng dơ bẩn chúng ta đem giặt; sau một
thời gian chúng cũ rách, chúng ta giục bỏ chúng. Chẳng có gì khác với bình
thường cả; chúng ta cứ liên tục giục bỏ những quần áo phai tàn cũ kỹ và lại bắt
đầu dùng đồ mới. (Dù nhanh hay chậm, dù sớm hay muộn, tất cả mọi thứ có đó