tục chịu khổ lụy. Phật mong muốn mọi người đạt đến sự bình an, biết rõ sự thật
của mọi thứ, và chứng đạt trí tuệ bát-nhã. Đây chính là Giáo Pháp, đây chính là
sự hiểu biết về bản chất của mọi thứ trên thế gian. Tất cả mọi thứ tồn tại trên thế
gian đều là tự nhiên. Do vậy chúng ta không cần phải sống ngu mờ và âu lo về lẽ
tự nhiên đó. Dù chúng ta có ở đâu, những quy luật tự nhiên đó vẫn có mặt như
vậy.
Điều quan trọng nhất là trong khi chúng ta còn đang sống, chúng ta nên
huấn luyện cái tâm sao cho được quân- bình đối với tất cả mọi thứ. Chúng ta nên
có khả năng cho đi, chia sẻ của cải vật chất. Đến lúc nào đó, chúng ta nên biết
cho đi một phần những gì mình có cho những người khốn khó nghèo hèn; cũng
giống như cách quý vị phân cho của cải tài sản cho con cháu vậy. Cho đi và chia
sẻ như vậy sẽ làm chúng ta thấy hạnh phúc; và nếu ai có thể cho đi tất cả thì khi
gần đất xa trời người đó sẽ không còn sự ràng buộc hay lo âu nào, bởi vì đâu còn
thứ gì nữa để mà lo. Đức Phật đã dạy phải biết cách “chết trước khi chết”, phải
kết thúc mọi thứ trước khi mọi thứ chấm dứt. Rồi chúng ta sẽ được thư thái, bình
an. Hãy phá bỏ mọi thứ trước khi mọi thứ vỡ tan; hãy kết thúc mọi thứ trước khi
mọi thứ chấm dứt. (Hãy buông bỏ tất cả mọi thứ trước khi không thể mang theo
thứ gì). Đây là ý của Phật khi Phật dạy về Giáo Pháp. Cho dù quý vị có lắng nghe
giáo lý giáo pháp suốt cả trăm cả ngàn đại kiếp chăng nữa, nếu quý vị không hiểu
ra những điểm này thì quý vị không thể nào tháo gỡ khổ đau và không thể nào
tìm thấy sự bình an đích thực. Quý vị sẽ không nhìn thấy Giáo Pháp. Nhưng nếu
quý vị hiểu được những điều này và có khả năng giải quyết mọi thứ thì đó được
gọi là nhìn thấy Giáo Pháp. Cách nhìn mọi thứ đúng với Giáo Pháp có thể làm
chấm dứt khổ đau. Nó có thể giải trừ tất cả mọi nhiệt não và sầu não. Bất cứ ai nỗ
lực tu tập một cách thành tâm, ai biết chịu khó chịu khổ để tu tập, ai biết huấn
luyện và phát triển bản thân đến tối đa tiềm năng của chính mình, những người
đó sẽ đạt đến sự bình an và chấm dứt. Dù họ sống ở đâu, họ cũng không bị khổ.
Dù họ có trẻ hay già, họ vẫn không bị khổ. Dù phải ở trong tình huống nào, dù
phải làm bất cứ việc gì, họ vẫn không bị khổ, bởi tâm của họ đã đạt đến chỗ khổ
đã tận diệt, đạt đến chỗ của sự bình an. Vậy đó. Đó là lẽ tự nhiên. Nếu họ nỗ lực
tu tập như vậy thì sẽ đạt đến chỗ như vậy.
Như vậy, Phật đã dạy con người phải thay đổi cách nhận thức về thế gian, và
lúc đó sẽ có Giáo Pháp hiện tiền. Khi tâm đã hòa đồng với Giáo Pháp, thì Giáo