trẻ khác thì nói với tôi chúng đến chùa đã học được nhiều đạo lý hay, biết được
điều đúng sai, và nhờ đã bỏ uống bia rượu và không ra đường tụ tập liu lỏng nữa.
Nhưng đám bạn bè vẫn cứ chọc quê, đại khái như: ''Ê ông Bụt, sao ông đi chùa
xong về không chịu đi ăn nhậu với tụi này vậy?''. Cứ bị chọc như vậy, những
người đó cũng không dám đi chùa nữa. Thiệt là khó cho những người cứ dính
mắc vào người khác như vậy.
Người phàm tu khó thiệt. Vậy thay vì tâm nguyện cao xa, quý vị chỉ cần tu
tập tính kiên nhẫn và chịu khó. Thực hành sự nhẫn nhịn và kiềm chế trong gia
đình là cũng tốt lắm rồi. Đừng cãi cọ, đừng tranh đấu, đừng gây gỗ nhau – nếu
quý vị làm được vậy thì quý vị đã chuyển hóa được ít nhiều khổ đau trong cuộc
sống tại gia rồi, và điều đó là rất tốt.
Lúc nào gặp khó khăn, hãy quán chiếu (soi xét, suy xét, quán niệm, tưởng
nhớ) về Giáo Pháp. Suy xét về những điều các bậc sư thầy đã chỉ dạy chúng ta.
Họ dạy ta buông bỏ, kiềm chế và tự chủ, đặt mọi thứ xuống; họ đã dạy chúng ta
như vậy để giải quyết những khó khăn chúng ta gặp trong tiến trình tu tập. Giáo
pháp chúng ta đã nghe học là được dùng để xử lý và đối trị những khó khăn trong
tu tập.
Những khó khăn nào? Gia đình? Ta đang có những thứ khó khăn nào? Về
con cái, vợ hoặc chồng, bạn bè, hay về công việc? Những thứ này đôi lúc cũng
gây nhức đầu, đúng không? Đó cũng là những khó khăn trong đời tu tập. Lời dạy
của các sư thầy chỉ cho chúng ta cách áp dụng giáo pháp để giải quyết những khó
khăn hàng ngày.
Chúng ta được sinh ra làm người. Chúng ta có trách nhiệm làm sao để sống
với cái tâm hạnh phúc. Chúng ta làm mọi việc theo hướng có trách nhiệm đó. Khi
gặp thứ gì khó khăn, chúng ta tập tính chịu đựng. Làm những công việc nghề
nghiệp chân chính (chánh mạng) là một cách thực hành Giáo Pháp, thực hành lối
sống đạo đức. Sống một cách hạnh phúc và hòa hợp như vậy đã là điều khá tốt.
Tuy nhiên chúng ta thường để mất. Đừng để mất! Nếu ta đến chùa hay thiền
viện để tu tập, rồi sau đó về nhà đánh lộn, cãi nhau thì đó là sự để-mất. Quý vị có
nghe rõ điều tôi nói không? Làm tu tập mà làm vậy thì tu chỉ để mất chứ chẳng
được gì. Nếu cứ làm vậy có nghĩa là quý vị chẳng nhìn thấy một chút nào của
Giáo Pháp—chẳng được chút lợi lạc nào. Mong quý vị hiểu rõ chỗ này.