thì dù chúng ta có tu trong chùa hay đang ở chợ, chúng ta cũng không bao giờ có
được bình an đích thực, và trí tuệ cũng không thể phát sinh.
Mọi người đang tu ở các nước phương Tây, điều đó cũng rất tốt, tu ở đâu
cũng được miễn sao biết tu đúng đắn. Tôi không trách ai ở đây, nhưng theo chỗ
tôi thấy ở đây phần giới hạnh chưa được tu dưỡng tốt lắm. Chuyện trước giờ là
vậy. Quý vị có thể bắt đầu tu tập định tâm (samādhi) trước. Những phần tu tập
khác thực ra chỉ là một. Giống như khi ta đi bộ và gặp phải một thân cây dài nằm
ngang đường. Ta có thể nhấc một đầu. Người khác có thể nhấc đầu kia. Nhưng
đầu nào cũng cùng một cây gỗ, nhấc đầu nào chúng ta cũng có thể dời cây gỗ
sang bên. Đôi đũa, cái dao cũng vậy, khi ta cầm một đầu lên là ta cầm cả cây đũa
và con dao đó. Khi chúng ta đạt được ít nhiều sự tĩnh lặng từ việc tu định, lúc đó
tâm có thể nhìn thấy mọi thứ một cách rõ ràng, và tâm đạt được trí tuệ và nhìn ra
những mối nguy hại trong những loại hành vi bất thiện của ta. Sau khi nhìn thấy
vậy, ta sẽ kiêng cữ và cẩn trọng trong mọi hành động; đó là giữ giới. Ta có thể
nhấc một đầu cây gỗ để dời nó đi, nhưng điều quan trọng là ta phải có sự quyết
tâm chắc chắn trong hành động của mình. Tương tự, điều quan trọng là ta phải
quyết tâm trong việc giữ giới và tu tập của mình. Nếu quý vị bắt đầu tu tập phần
giới hạnh (sīla) trước, thì sự giữ giới sẽ tạo ra sự tĩnh lặng, tức định tâm
(samādhi), và đó chính là nguyên nhân tạo ra trí tuệ (panna). Rồi sau khi đã có trí
tuệ, nó sẽ giúp cho sự định tâm phát triển mạnh hơn. Và lúc đó định sẽ quay lại
làm trong sạch phần giới hạnh nhiều hơn nữa. (Có giới sẽ giúp có định, có định
sẽ giúp sinh ra tuệ, và có tuệ sẽ quay lại phát huy định mạnh mẽ hơn; định mạnh
mẽ hơn sẽ tự nhiên thanh lọc phần giới hạnh nhiều hơn nữa. Ba phần phát triển
một cách hữu cơ với nhau). Ba phần thực ra là đồng nghĩa với nhau, cùng phát
triển với nhau. Cuối cùng, kết quả cuối cùng là chúng là một và như nhau; chúng
không thể tách rời nhau.
Chúng ta không thể tách riêng định (samādhi) là phần riêng biệt. Chúng ta
không thể tách riêng tuệ (panna) là phần riêng biệt. Chúng ta cũng không thể tách
phần giới hạnh (sīla) là phần riêng biệt. Nói về sự hiểu biết, sự hiểu biết có hai
mức độ: mức độ theo quy ước và mức độ giải thoát. Ở mức độ giải thoát, chúng
ta sẽ không còn dính chấp vào sự tốt và sự xấu. Khi còn dùng quy ước, chúng ta
phân biệt tốt và xấu, chúng ta phân biệt những phần khác nhau của sự tu tập. Khi
chưa giác ngộ, chúng ta còn phân biệt về các phần tu tập (có lẽ để cho dễ dàng