vị ấy cũng không phản ứng này nọ- vị ấy giống người điên mất trí vậy. Nhưng
bậc a-la-hán như điên mà tỉnh giác. Người điên thực sự nghe ai nói gì cũng không
quan tâm hay nổi giận, là bởi người đó không còn biết chuyện gì đang xảy ra trên
đời. Nhiều người nhìn bề ngoài người điên và a-la-hán thì nghĩ họ giống nhau,
đều là kẻ điên. Nhưng người điên thấp kém là điên khùng thực sự, còn người điên
cao nhất là bậc a-la-hán. Thấp nhất cao nhất bề ngoài đều trông giống nhau.
Nhưng sự tỉnh giác bên trong là khác, cảm nhận của họ về mọi thứ là khác, rất
khác nhau. Một là điên thiệt, một là như điên mà tỉnh.
Hãy nghĩ về điều này. Khi có ai chửi bới ta mà ta không tức giận và bỏ qua
thì họ nghĩ ta là đồ điên. Nếu giải thích chỗ này cho các Phật tử, có thể họ không
hiểu được dễ dàng. Điều đó phải được đưa vào trong nội tâm (khi họ biết tu tập
cái tâm) thì họ mới thực sự hiểu.
Ví dụ, ở đất nước này mọi người thích vẻ đẹp. Nếu ta nói: ''Không, mấy thứ
xung quanh không đẹp lắm'' thì họ không muốn nghe. Họ muốn nói nhà cửa, cây
cối xung quanh họ là đẹp; họ muốn khen mình đẹp. Nếu ta nói chữ ''Già''- họ
không muốn nghe. Chữ ''Chết''- họ càng không muốn nghe. Điều đó có nghĩa họ
chưa sẵn sàng hiểu. Nếu họ không tin ta, đừng trách họ vì điều đó. Khi chúng ta
nói điều gì với người thường và ở xứ lạ thì cũng giống như ta đang trao đổi thứ gì
mới để thay thứ cố cựu của họ: nhưng họ chưa nhận thấy giá trị của cái mới
chúng ta đang đưa ra. Nếu điều chúng ta đưa ra là có giá trị cao rõ rệt thì họ sẽ
nhận ra ngay và chấp nhận nó ngay. Nhưng hiện thời, tại sao họ chưa tin tưởng
các chúng ta? Có lẽ bởi do trí tuệ của ta chưa đầy đủ. Bởi vậy ta cũng không nên
bực tức với họ. Đừng hỏi họ tại sao họ không hiểu, tại sao họ không nghe theo.
Đừng cho rằng họ mất trí. Đừng làm như vậy!. Chúng ta phải tự dạy cho mình
trước, tự thiết lập Giáo Pháp bên trong ta, rồi sau đó phát triển những cách thức
phù hợp nhất để trình bày nó cho họ hiểu. Sau đó họ sẽ nghe và chấp nhận nó.
Nhiều lúc thầy dạy các đệ tử nhưng các đệ tử đâu tin lời thầy nói. Điều đó có
thể làm các thầy khó chịu, nhưng thay vì khó chịu các thầy nên tìm coi lý do nào
họ không tin những điều mình nói. Có thể những điều mình nói không mang
nhiều giá trị đối với họ; (như: nói chung chung, quanh quanh; nói không rõ ràng;
nói cao xa cao siêu; nói không từ cái tâm đã tự trải nghiệm giáo lý đó; nói không
đúng đối tượng, nói không đúng lúc...). Nếu các thầy biết cách nói tốt hơn, biết