LẼ SINH DIỆT, LÝ TU HÀNH - Trang 91

Nếu ta cứ tin ta là cái gì đó, hoặc là ai đó, điều đó chỉ mang lại khổ. Nếu

thực sự có một “ngài A”, thì khi có ai chỉ trích “ngài A” sẽ tức giận, khởi tâm
sân. Đó là cách sự khổ sẽ xảy ra khi chúng ta cứ chấp lầm cái ‘ta’ hay thứ gì đó là
thực, là cố hữu. “Ngài A” bị dính danh (dính tâm) và bắt đầu phản đối này nọ với
lời chỉ trích. Nếu không có cái “ngài A”, chẳng có ai bị xúc phạm và phản đối.
Không có “ngài A”, chuông điện thoại reo, chẳng ai trả lời điện thoại. Chẳng có
ai thì chẳng có ai để trở thành bất cứ cái gì. Không có cái “ta” thì ta chẳng trở
thành cái gì. Ta chẳng là ai, chẳng có ai cả, thì chẳng ai chịu khổ vì bất cứ điều gì.

Trước kia có một tu sĩ đến trình với tôi (theo thủ tục giới luật) rằng thầy ấy

đã chứng đắc thánh quả Nhập Lưu (Tu-đà-hoàn). Tôi chỉ có thể nói rằng “À, vậy
là tốt hơn con chó một chút”. [Ở Thái Lan cũng như nhiều nơi khác, việc gọi ai
bằng chó là vô lễ và coi thường người ấy]. Thầy ấy không ưa câu nói đó và
ngoảnh mặt bỏ đi. Vị thánh Nhập Lưu đã tức giận!.

Khi ta nghĩ mình là cái gì đó hay là ai đó, chúng ta luôn phản ứng lại bất cứ

chuyện gì; khi nghe chuông điện thoại, ta liền bắt máy và dính líu vào đó. Làm
sao chúng ta tránh khỏi điều đó? Chúng ta phải nhìn rõ vào điều đó và phát triển
trí tuệ hiểu biết về nó thì mới không còn cái “ông A” bắt nghe điện thoại. Nếu ta
bắt điện thoại vì nghĩ mình là “ông A”, ta sẽ dính vào đó và bị khổ. Vì vậy hãy
đừng làm “ông A”. Chỉ luôn biết rằng cái tên đó và danh xưng đó chỉ là quy ước.

Nói rõ hơn, khi có ai nói ta tốt, đừng nhận. Đừng nghĩ ta tốt. Khi có ai nói ta

xấu, đừng phản ứng. Đừng nghĩ ta xấu. Đừng cố là gì cả. Biết rõ điều gì đang xảy
ra. Nhưng cũng đừng dính mắc vào sự hiểu biết đó, chỉ cần nghĩ rằng: “Ta là một
người nào đó biết tỉnh giác”.

Người ta không làm được điều này. Họ chẳng hiểu biết chuyện gì đang xảy

ra. Tôi thường ví dụ về trên lầu và dưới lầu. Khi bạn bước xuống từ trên lầu, bạn
thấy dưới lầu. Khi bạn đi lên lầu, bạn thấy trên lầu. Khoảng không ở giữa bạn
không thấy. Điều đó có nghĩa là không nhìn thấy niết-bàn.

Chúng ta nhìn thấy hình thể của mọi thứ, nhưng không nhìn thấy sự dính

chấp, sự dính chấp vào trên lầu và dưới lầu. Đó chính là sự trở thành và sự sinh.
Chúng ta sống liên tục trở thành thứ gì đó, trong từng giây khắc. Chỗ trống
không có sự trở thành là chỗ trống không. Khi chúng ta cố nói cho người khác về
chỗ trống không đó thì họ chỉ biết đại khái đó là chỗ “không có gì ở đó”. Nhưng
phải tu tập thực sự thì họ sẽ biết được chỗ trống không đó thực sự nghĩa là gì.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.