“Đúng thế. Với người một lòng muốn rời khỏi Vân Mộng trạch như Ký
Y tỷ, điều này đương nhiên là một cú đả kích nặng nề. Nguyện vọng suốt
bao lâu nay của Ký Y tỷ vẫn luôn là lấy chồng ở một nơi khác bên ngoài
Vân Mộng trạch, rồi dẫn theo cả Nhã Anh tỷ cùng đi. Trong suy nghĩ của tỷ
ấy, chỉ có làm vậy thì mới bảo vệ được Nhã Anh tỷ, tránh để bá phụ quá
nghiêm khắc tiếp tục làm Nhã Anh tỷ tổn thương. Dù rằng, sau sự việc xảy
ra vào bốn năm trước bá phụ đã qua đời - nói thế này có lẽ không ổn lắm,
song sự thực là như vậy - Tóm lại nguyện vọng bảo vệ Nhã Anh tỷ dường
như đã thành hiện thực. Có lẽ bấy giờ Ký Y tỷ mới nhận ra nguyện vọng
thực sự của mình kỳ thực chỉ là rời khỏi Vân Mộng trạch, rời khỏi chốn
hoang vu mà gia tộc họ Quan đời đời ẩn cư. Ký Y tỷ nhạy cảm như vậy,
chắc chắn đã tự trách mình một phen, dù sao nhất định tỷ ấy đã nghĩ đây là
một ý niệm ích kỷ. Cũng có thể xuất phát từ sự tự trách này mà cuối cùng
Ký Y tỷ đã chấp thuận yêu cầu của phụ thân, đồng ý để phụ thân chọn cho
tỷ ấy một vị chuế tế. Có điều trong lòng Ký Y tỷ ắt hẳn là cực kỳ, cực kỳ
không cam tâm…”
“Vậy thì đúng là khá đáng thương.”
Nghe xong câu chuyện về Ký Y, Quỳ không khỏi thở dài.
Đối với người con gái sinh ra trong một gia tộc phú quý, chuyện ở bên
chuế tế đến hết đời là một cái kết vô cùng khủng khiếp.
Trong mắt người thời đó, chuế tế chẳng khác gì nô bộc, chỉ là một công
cụ để gia tộc không có con trai nối dõi tông đường mà thôi. Một gia tộc có
con gái nhưng không có con trai, nếu muốn kéo dài huyết thống dòng họ thì
không thể không tìm chuế tế. Trong phong tục một thời ở Hoài Nam, bán
con của mình cho người khác được gọi là “chuế tử”; cũng là chữ “chuế”, từ
đó có thể suy ra địa vị thấp kém của chuế tế, mà khởi nguồn của cách gọi
“chuế tế” cũng có thể giải thích như vậy.