Đó chính là việc tự tạo nên sự thay đổi, hay nói cách khác, là kinh doanh
theo hướng thay đổi không ngừng. Ở điểm này, Lee Kun Hee là một trong
những nhà kinh doanh đã tự tạo nên sự thay đổi.
“Mọi hoạt động kinh tế đều gắn liền với sự mạo hiểm. Tuy nhiên việc vẫn
duy trì ngày hôm qua, tức là không có cải cách, có thể sẽ phải đối mặt với
mạo hiểm lớn hơn là tạo nên ngày mai.” Đây là nội dung được Peter
Drucker đề cập trong cuốn sách Tinh thần doanh nhân khởi nghiệp và sự
đổi mới. Nó ám chỉ rằng những doanh nghiệp chỉ luôn mong muốn sự thay
đổi mà lại không tự mình làm nên thay đổi sẽ có thể rơi vào tình thế nguy
hiểm.
Lee Kun Hee luôn yêu cầu ở nhân viên của mình sự thay đổi, điều này đã
trở thành nguồn động lực giúp cho Samsung không khi nào trì trệ mà liên
tục tăng trưởng. Chính những doanh nghiệp không mong muốn sự thay đổi
là nguyên nhân lớn nhất khiến cơ sở nền tảng bị sụp đổ.
“Bây giờ là giai đoạn khủng hoảng thật sự. Các doanh nghiệp hàng đầu thế
giới đang sụp đổ và Samsung chưa biết chừng cũng sẽ rơi vào tình trạng
đó. Phần lớn các lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm tiêu biểu của Samsung
sẽ biến mất trong vòng mười năm tới.”
Đây là tuyên bố của Lee Kun Hee khi ông quay lại vị trí điều hành vào ngày
24 tháng 3 năm 2010. Cho đến nay, Lee Kun Hee vẫn luôn nhấn mạnh đến
những nguy cơ và phải luôn thay đổi để khắc phục những nguy cơ đó. Ông
cũng đặt ra yêu cầu phải khắc phục những nguy cơ một cách tích cực hơn
nữa. Đây chính là bản chất của Thuyết khủng hoảng theo chủ trương của
Lee Kun Hee. Theo đó, không thể chỉ dừng lại ở việc khắc phục nguy cơ
mà phải coi nó là cơ hội để có thể vươn xa hơn và tiếp tục tăng trưởng.
“Gió thổi càng mạnh thì diều càng bay cao. Hãy coi nguy cơ là động cơ,
coi khủng hoảng là bước đệm để trở nên lớn mạnh hơn.”