Samsung đã đương đầu thách thức với những nhiệm vụ ấy. Chính vì thế,
cuối cùng Samsung đã đạt được sự tăng trưởng kinh ngạc ngay cả trong tình
hình các doanh nghiệp của Nhật Bản bị đình trệ và dẫn đến phá sản.
Giáo sư danh dự đồng thời là chuyên gia của “thất bại học” Hatamura
Yotaro thông qua tác phẩm Kinh doanh trong khủng hoảng, học tập từ
Samsung đã nói đến một hiện thực rằng Nhật Bản hầu như không có doanh
nghiệp đạt được thành công trên thị trường toàn cầu một cách đúng nghĩa.
Và ông đã tóm gọn trong một câu về lý do này đó là “thiếu chiến lược”.
Ông đã nói như sau:
“Tất cả điều này đều là kết quả của việc không có chiến lược. Những người
làm việc tại công ty sản xuất của Nhật Bản từ xưa đã nỗ lực một cách hiền
lành chỉ để ‘tạo ra những sản phẩm tốt’. Tâm thế đó đến bây giờ vẫn không
thay đổi nhưng nếu như họ không đọc được sự thay đổi về thời đại và môi
trường của thị trường toàn cầu với sự đa dạng của người tiêu dùng và xây
dựng chiến lược dựa trên nền tảng ấy thì họ sẽ không được đền đáp xứng
đáng cho những nỗ lực trong việc tạo ra những sản phẩm tốt. Tôi nghĩ rằng
chính sự ‘thiếu chiến lược’ như thế đã khiến cho cảm giác không có lối
thoát lan rộng trong các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản.”
Tập đoàn Samsung Electronics thì khác. Ở Samsung có một nhà kinh doanh
sở hữu khả năng nhìn trước tương lai, ông tăng cường và sáng tạo lại bản
chất của hệ thống, đồng thời sản sinh ra một doanh nghiệp lớn mạnh với
quan điểm “hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con cái bạn.”
Tôi nghĩ rằng bản chất của hệ thống trong sự biến đổi đó chính là doanh
nghiệp mang tính sáng tạo và luôn luôn sáng tạo. Dĩ nhiên nó cũng ý nghĩa
là một doanh nghiệp mạnh mẽ, không hề nao núng trước thách thức và
khủng hoảng nhưng không phải là tất cả. Mà dưới nền tảng đó còn ẩn chứa
một chiến lược khác nữa, đó là Samsung của sáng tạo.