dự án bán dẫn là hướng đi hoàn toàn phù hợp với tính đặc thù và tài năng
của người dân Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc có văn hóa dùng đũa, từ
đó đã tôi luyện nên những đôi tay khéo léo. Và người Hàn Quốc cũng rất
coi trọng sự sạch sẽ với thói quen sinh hoạt bỏ giày để đi chân trần. Văn
hóa này rất phù hợp với việc sản xuất bán dẫn. Bởi sản xuất bán dẫn yêu
cầu những thao tác vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, đồng thời nó là công đoạn yêu
cầu duy trì môi trường sản xuất tinh sạch cao độ đến mức không cho phép
xuất hiện cho dù chỉ là một hạt bụi.”
Căn cứ theo những lý lẽ như văn hóa dùng đũa và truyền thống sinh hoạt
của người Hàn Quốc hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu của công nghiệp
bán dẫn, cũng như thuận theo dòng chảy của thời đại, vận mệnh của
Samsung là phải phát triển sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao như sản
phẩm high-tech, Lee Kun Hee đã dẫn dắt Samsung lần đầu tiên tiến công
vào một mặt trận rộng lớn và đầy rủi ro mang tên “bán dẫn”.
Ngày 15 tháng 3 năm 1983, chủ tịch Lee Byung Chul đã chính thức phát
biểu với báo giới về sự kiện Samsung chính thức gia nhập thị trường bán
dẫn. Đây cũng là nội dung chính đã được cụ thể hóa qua ý tưởng Đông
Kinh 2.8. Cuối cùng dự án VLSI (Very Large Scale Integrated - vi mạch
tích hợp với quy mô rất lớn) của Samsung đã chính thức khởi động. Sự kiện
diễn ra cách đây vừa tròn 30 năm. Chủ tịch Lee Byung Chul đã lập một kế
hoạch cụ thể để khởi động dự án 64K DRAM.
Thế nhưng, cũng giống như lần đầu tiên khi Lee Kun Hee mua lại cổ phần
của Công ty bán dẫn Hàn Quốc vào năm 1974, đáp lại tuyên bố lần này của
chủ tịch Lee Byung Chul vẫn chỉ là cái cười hoài nghi của giới tài chính
trong nước, các đối thủ cạnh tranh và báo giới quốc tế. Điều này cho thấy
dù mười năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của Samsung vẫn chưa được cải
thiện đáng kể. Nhưng có thể nói từ chính giây phút này, Samsung bắt đầu
vươn mình trỗi dậy, khiến cả thế giới phải kinh ngạc.