“Chẳng khác nào người lên đồng!”
Lee Kun Hee đã gạt đi mọi đặc điểm cố hữu như tính cách trầm tĩnh, không
ưa phô trương của mình sang một bên, đồng thời vượt qua cảm giác tự ti
trước người cha tài giỏi và cả những thất bại trong quá khứ. Lý do khiến
ông có thể làm được như vậy chính là “vì đã quá ngán ngẩm trước tình hình
hiện tại của tập đoàn”. Do vậy, hình ảnh của ông được ví von “Chẳng khác
nào người lên đồng!”
Cuộc sống vốn tồn tại một quy luật: không ai có thể đạt được mục tiêu nếu
không hoàn toàn sống chết với nó. Đối với trường hợp của Lee Kun Hee,
hoàn toàn có thể nói rằng ông đã chạm ngưỡng “phát cuồng” trước những
vấn đề trì trệ của tập đoàn khi ấy.
Điều mà Lee Kun Hee quan tâm không phải là thành tích kinh doanh hiện
tại, cũng không phải là vấn đề tạo ra lợi nhuận trước mắt, mà là những gì có
thể đảm bảo cho sự phát triển của Samsung trong tương lai năm, mười năm
hay xa hơn nữa. Và với lý tưởng tái lập lại về căn bản Tập đoàn Samsung,
chủ tịch Lee đã không ngừng khẩn thiết đưa ra lời kêu gọi tới các nhân viên
của mình trong suốt hơn 1.000 giờ đồng hồ.
Lee Kun Hee đã đặt ra mục tiêu cần phải bay cao, bay xa hơn nữa lên bầu
trời để thực hiện mục tiêu “hóa rồng” cho một Samsung chẳng khác nào
“ếch ngồi đáy giếng” vào thời điểm đó. Đồng thời, ông cũng giải thích tại
sao “hóa rồng” lại là điều bắt buộc đối với Samsung. Các cuộc họp do chủ
tịch Lee chủ trì được gọi là “cuộc hội đàm”, nhưng trên thực tế chúng
không mang tính chất của các “cuộc hội đàm”, mà đúng hơn phải gọi là
“buổi diễn thuyết một chiều”. Và chỉ đến khi cuộc hội đàm sắp kết thúc,
những người tham dự mới bắt đầu phát biểu ý kiến. Như vậy, tại các cuộc
họp này, trong mỗi nhân viên Samsung rốt cuộc đã bắt đầu nhen nhóm một
sự đổi thay mà trước hết là từ tinh thần và ý thức cơ bản.