Chương 2
CÁC CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ: CÁC CHÍNH
SÁCH VỀ CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHỆ
NHÌN TỪ QUAN ĐIỂM LỊCH SỬ
2.1. Dẫn nhập
Trong chương trước, tôi đã chỉ ra rằng còn quá ít những cố gắng nhằm áp
dụng kinh nghiệm lịch sử của các nước đã phát triển để giải quyết những
vấn đề phát triển hiện tại. Hơn nữa, tôi cũng sẽ chỉ ra rằng, một vài tham
khảo kinh nghiệm lịch sử ấy cũng đầy những huyền thoại biện hộ cho quan
điểm chính thống về lịch sử chính sách kinh tế của các nước NDC, tức là
cái lịch sử nhấn mạnh lợi ích của chính sách tự do thương mại và tự do
kinh doanh (laissez-faire).
Câu chuyện này củng cố hầu như tất cả những đề xuất chính sách theo
kiểu Đồng thuận Washington. Nó phát triển đại khái như sau.
XVIII trở đi, những thành tựu trong ngành công nghiệp của nước Anh
laissez-faire đã chứng minh tính ưu việt của chính sách thị trường tự do và
thương mại tự do. Nhờ có các chính sách trên mà năng lực kinh doanh của
quốc gia này đã được giải phóng, giúp họ vượt qua Pháp (đối thủ chính của
Anh lúc bấy giờ) và trở thành cường quốc kinh tế số một trên thế giới. Từ
đó, Anh có thể đóng vai trò như kiến trúc sư và bá chủ của trật tự kinh tế
thế giới mới, trật tự “tự do”, nhất là sau khi Anh xóa bỏ những biện pháp
bảo hộ trong lĩnh vực nông nghiệp (gọi là Luật Ngũ cốc) và những biện
pháp bảo hộ theo lối trọng thương còn sót lại vào năm 1846.
Trong quá trình tìm kiếm trật tự mới đó, “vũ khí” tối hậu của Anh chính
là những thành tựu kinh tế đạt được trên cơ sở hệ thống thị trường tự
do/thương mại tự do; điều này khiến các nước khác nhận ra những hạn chế
trong các chính sách trọng thương của mình và từ khoảng những năm 1860
đã bắt đầu áp dụng chính sách thương mại tự do (hay chí ít là tự do hơn).
Nhưng, dự án trên của Anh còn nhận được sự trợ giúp lớn lao từ các công
trình của những nhà kinh tế học cổ điển như Adam Smith và David Ricardo