chính sách bảo hộ. Sự suy giảm và bất ổn của nền kinh tế thế giới và sau đó
là Thế chiến II đã phá hủy hoàn toàn những gì còn sót lại của trật tự thế
giới tự do đầu tiên.
Sau Thế chiến II, câu chuyện lại tiếp tục, đã có những cố gắng đáng kể
nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại qua các vòng đàm phán của GATT
(Hiệp định chung về thương mại và thuế quan). Tuy nhiên, chủ trương can
thiệp vào quản lí kinh tế đã thống trị quá trình hoạch định chính sách ở các
nước đã phát triển cho đến tận những năm 1970, và ở các nước đang phát
triển thì kéo dài tới tận đầu những năm 1980 (cũng như ở hệ thống các
nước xã hội chủ nghĩa, cho đến khi hệ thống này sụp đổ vào năm 1989).
Theo Sachs và Warner, ở các nước đang phát triển có rất nhiều nhân tố dẫn
đến chính sách bảo hộ và can thiệp.
Những lí thuyết “sai lầm” như: luận
cứ về các ngành non trẻ, lí thuyết “lực đẩy mạnh” của Rosensetin-Rodan
(1943), cấu trúc luận ở Mỹ-Latinh, chưa nói đến những lí thuyết của chủ
nghĩa Marx, là những lí thuyết rất thịnh hành trong thời gian này. Các chính
sách bảo hộ còn được thúc đẩy do những đòi hỏi về chính trị như nhu cầu
kiến thiết đất nước và nhu cầu mua chuộc một số nhóm lợi ích nữa. Bên
cạnh đó, các di sản của việc kiểm soát trong thời chiến vẫn còn tiếp tục
hiện diện trong cả thời bình.
May thay, các chính sách can thiệp đã bị bãi bỏ trên toàn thế giới từ
những năm 1980 cùng với sự phát triển của chủ nghĩa Tân-Tự do, tức là
học thuyết nhấn mạnh những ưu điểm của chính phủ nhỏ, chính sách tự do
kinh doanh và mở cửa. Đến cuối những năm 1970, tăng trưởng kinh tế ở
hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới đều sụt giảm, ngoại trừ các
nước ở Đông Á và Đông Nam Á do đã áp dụng những chính sách “đúng
đắn”. Sự suy giảm này, được thể hiện qua cuộc khủng hoảng kinh tế đầu
những năm 1980, đã phơi bày những hạn chế của chủ nghĩa can thiệp và
chủ nghĩa bảo hộ kiểu cũ.
Kết quả là, hầu hết các nước đang phát triển đều tiến hành những cải
cách theo chủ nghĩa Tân-Tự do. Theo Bhagwati, những biểu hiện đặc trưng
nhất của sự chuyển đổi này bao gồm: cho đến những năm 1980 Brazil đi