– bằng lí thuyết đã chứng minh những ưu điểm của chính sách tự do kinh
doanh (laissez-faire), nhất là tự do thương mại. Willy de Clercq, Ủy viên
châu Âu về các quan hệ kinh tế đối ngoại trong thời kì đầu của Vòng đàm
phán Uruguay (1985-1989) đã nhận xét:
Nhờ có những lí thuyết tự do thương mại được David Ricardo, John
Stuart Mill và David Hume, Adam Smith và những người của trường phái
Khai sáng Scotland đề xuất nhằm chống lại những quan điểm của chủ nghĩa
trọng thương đang thịnh hành lúc đó, và cũng nhờ việc Anh đã liên tục giữ
được địa vị là cường quốc kinh tế hàng đầu ở nửa cuối thế kỷ XIX, mà lần
đầu tiên tự do thương mại có thể đơm hoa kết trái [vào cuối thế kỷ XIX].
Trật tự của thế giới tự do, được hoàn thiện vào khoảng năm 1870, dựa
trên nền tảng: Các chính sách tự do kinh doanh trong nước; ít rào cản đối
với sự dịch chuyển hàng hóa, vốn và lao động quốc tế; và sự ổn định kinh
tế vĩ mô, cả ở trong nước và trên thế giới, được bảo đảm bởi hệ thống bản
vị vàng và các nguyên tắc cân bằng ngân sách. Một kỉ nguyên thịnh vượng
chưa từng có bắt đầu từ đây.
Đáng tiếc là, theo như câu chuyện này, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ
ngay trước khi xảy ra Thế chiến I. Đáp lại những bất ổn về kinh tế và chính
trị diễn ra sau đó, các nước một lần nữa quay trở về với những rào cản
thương mại. Năm 1930, Mỹ từ bỏ tự do thương mại và thông qua sắc thuế
Smooth-Hawley. Theo de Clercq, sắc thuế này “đã gây ra những hệ quả
thảm khốc đối với ngành thương mại thế giới và sau một thời gian… tác
động tới tăng trưởng kinh tế và vấn đề việc làm của chính nước Mỹ. Ngày
nay, một số nhà kinh tế học cho rằng sắc thuế này chính là nguyên nhân căn
bản của cuộc Đại Suy thoái.”
Đức và Nhật Bản cũng đều thiết lập những
hàng rào thương mại rất cao và bắt đầu lập nên những các-ten đầy quyền
lực, sau này liên kết với chủ nghĩa phát-xít và chính sách xâm lược của
những nước này trong những thập kỉ sau đó.
Hệ thống thương mại tự do
trên thế giới sụp đổ vào năm 1932 khi Anh – đến lúc đó vẫn là nước cổ vũ
cho nó – trước những thách thức như vậy đã phải quay trở lại áp dụng các