tập kết rút hết ra Bắc thì cha mới dám về xứ lại và từ đó, cha ít sử dụng cậy
gậy ấy với người ngoài nữa. Thế nhưng trong nhà thì từ bà chánh cho đến
các bà thứ lẫn đám con cái vẫn luôn luôn bị nếm mùi ở cây gậy ấy nếu
không làm cha vừa lòng.
Nè … nè … không vâng lời … nè… Tiếng gậy vung rít lên kèm theo
những tiếng kêu thét nhỏ nức nở trong đau đớn. Không ai dám kêu to bởi
cha rất ghét điều ấy và đã làm cho cha ghét thì còn bị ăn đòn nhiều hơn.
Út cũng dăm ba lần bị đòn rồi nên nhiều năm sau này khi đã trở thành
một người đàn bà tóc bạc của tuổi năm mươi, thỉnh thoảng trong giấc mơ
của mình, cô Út vẫn còn nghe tiếng gậy rít lên. Trong đầu Út rõ mồm một,
từng vết khắc, mảnh cẩn lẫn viên ngọc lớn trên đầu chiếc gậy ba toong của
cha.
Năm Út lên năm tuổi, có sự dèm pha của các bà vợ mà cha cho hai má
con Út ra ngoài gò làm nhà ở chung với mọi người, năm Út lên mười ba
tuổi thì cha lại bắt má đem Út về ở chung với đại gia đình. Cuộc sống ngoài
gò, tuy có phần cơ cực nhưng rất chan hòa, đều là dân nghèo làm ruộng với
nhau nên mọi người rất đùm bọc yêu thương nhau. Tuy má Út vẫn mang
danh là vợ của Hội đồng Mia, nhưng bà con xung quanh đều hiểu rằng cảnh
vợ hờ con tạm, cơ cực hơn cả kẻ ăn người ở khác trong nhà bởi sự ghen
ghét của những bà vợ khác. Vì thế mọi người rất thương và không phân
chia gì. Tuổi thơ êm đẹp lội ruộng bắt cá, vô đìa giăng câu, đêm nằm ngắm
sao trời với những ước mơ bay bổng của Út chính là thời gian ở ngoài gò.
Má cả ngày vô trong để hầu hạ các bà, nhưng tối khuya má vẫn về với Út.
Và dù cho có khuya lắc khuya lơ thì bao giờ Út cũng thức, chong đèn chờ
má về, hôm nào má về sớm mang theo ít đồ thừa trong nhà cha thì hai má
con còn có bữa ăn khuya thú vị, còn nếu không cũng là bữa cơm mắm cá
ấm cúng của hai má con. Út thương má lắm.
Cả đời làm phận kẻ tôi đòi cho gia đình cha từ hồi còn nhỏ cho đến khi
lớn, được cha chú ý, thương và sanh một đứa con gái là Út, nhưng địa vị