Cuộc đời bé Út từ đó thay đổi hẳn, khổ ải hơn rất nhiều, mà thật ra thì đã
thay đổi từ sau cái lần đau đớn ấy. Út lớn rồi.
Đến bây giờ thì Út mới có dịp sống gần cha, trong một nhà với người
cha ruột uy quyền này. Năm ấy Hội đồng Mía cũng đã gần 70, và thói trăng
hoa cũng suy giảm sau mấy chục năm ăn chơi trác táng, phung phí sức lực.
Má của Út là người đàn bà cuối cùng của cha, vì thế mà Út có tên là Út.
Một căn nhà gạch thật rộng, cao hai tầng, xây theo kiểu tây nằm đường
bệ giữa khu vườn xanh um, bát ngát. Nhà có một con gà trống cồ bằng sứ
nằm tuốt trên đỉnh, đây là món quà có từ hồi những năm 1930 khi quan chủ
tỉnh người Pháp vốn là bạn thân của cha, sau khi hồi cố hương có tặng cha
con gà này làm kỷ niệm. Bên trong nó có gắn một cổ máy lên dây thiều, để
mỗi sáng gà gáy te te nghe rất ngộ. Con gà này một thời là niềm kiêu hãnh
của ông hội đồng, chiều chiều rảnh là cha hay chống gậy ra trước nhà, vuốt
râu ngắm ngía con gà, gật gù ra vẻ đắc ý lắm. Đến trào năm năm mươi, một
sáng mãi không nghe thấy gà gáy. Người gác gà quên không vặn dây thiều
đã bị cha đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, đòi đuổi đi, anh ta van lạy
mãi cha mới cho ỡ lại. Thế rồi chưa đầy một tuần sau, hôm đó trời mưa rất
to, do sợ trễ giờ gá gáy, anh ta leo lên vặn giây thiều, lóng ngóng thế nào,
trựơt chân té chết, biến thành ma oán. Trong đại gia đình của cha hết Bà Ba
lại bà Tư ốm lăn lóc, thêm một người anh và một người chị chết bất tử, cha
phải rước thành tuốt từ ngoài trung vào cúng kiếng, trấn ếm mới êm và từ
đó cha bỏ hẳn chuyện thuê người gác gà vặn giây thiều. Tuy nhiên hồi gắn
con gà lên làm rất công phu, phải đập hẳn một mảnh gạch để xây lại nên
nay nếu đập bỏ nhìn nó trơ trơ thế nào nên đành để thôi. Sau mấy mươi năm
con gà trống bằng sứ vẫn vêu mỏ kiêu hãnh nhìn lên trời nhưng nó cứ bạc
dần, bạc trơ hết cả màu sứ, nay trông thảm hại lắm. Nhu con gà rù vậy, đấy
là lời nói thầm của mọi người chứ không ai dám nói trước mặt cha, có mà
bị đánh chết.