giữ vững trận địa trong suốt mười năm chống lại họ; việc quân địch phân tán
rải rác đã khiến quân dân thành này luôn đủ sức đối địch với biệt đội được
cắm lại. Nếu họ mang theo quân nhu dồi dào và chiến đấu bền bỉ mà không
phân tán vào việc cướp biển và canh tác thì họ đã có thể dễ dàng đánh bại
quân Troy trên chiến trường, bởi chỉ bằng mỗi biệt đội đang trực chiến đó họ
đã có thể trụ vững được trước quân Troy. Tóm lại, nếu họ kiên trì vây hãm
thì việc chiếm thành Troy lẽ ra đã đỡ tốn thời gian và đỡ nhọc nhằn hơn
nhiều. Nhưng vì sự thiếu thốn tiền bạc đã chứng tỏ là nhược điểm của các
cuộc viễn chinh trước đó, thì cũng vì cùng một nguyên nhân ấy mà ngay cả
cuộc viễn chinh đang được bàn đến này – còn nổi tiếng hơn những cuộc viễn
chinh trước nó – có thể dựa trên bằng chứng về những gì nó đã thực hiện
được mà tuyên bố rằng nó còn thấp kém hơn nhiều so với danh tiếng của nó
cũng như so với cách đánh giá hiện thời về nó được hình thành từ sự dẫn dắt
của các nhà thơ.
Thậm chí là sau Chiến tranh thành Troy, Hy Lạp vẫn bận rộn với việc di
cư và định cư, và vì thế cho nên không thể có được sự yên ổn cần thiết hầu
mở đường cho sự phát triển. Chuyến hồi hương muộn màng của quân Hy
Lạp từ Ilium
đã khiến cho nhiều cuộc cách mạng nổ ra, và nạn phe phái
nảy sinh hầu khắp mọi nơi; và cũng chính vì thế mà những công dân đã kiến
lập nên các thành của Hy Lạp bị buộc phải lưu vong. Sáu mươi năm sau khi
chiếm được Ilium, dân Boeotia thời bấy giờ bị dân Thessaly đuổi ra khỏi
Arne
, và định cư ở xứ Boeotia hiện thời, mà trước kia là Cadmeis; mặc dù
có một chi tộc của họ đã ở nơi ấy từ trước, một số trong chi tộc này đã gia
nhập đạo quân viễn chinh tới Illium. Hai mươi năm sau, người Doris
các hậu duệ của Heracles trở thành những kẻ thống trị ở Peloponnese
; thế
nên đã phải tốn rất nhiều công sức và đã phải mất rất nhiều năm Hy Lạp mới
có thể đạt được sự bình ổn lâu bền không bị xáo trộn bởi những cuộc di dân,
và có thể bắt đầu gửi thực dân – giống như người Athens đã gửi thực dân tới
Ionia và tới hầu hết các hải đảo ở đó – và dân Peloponnese đến định cư ở
hầu khắp Italy, Sicily
và một số nơi còn lại của Hy Lạp. Tất cả những
thuộc địa này đều được kiến lập sau cuộc Chiến tranh thành Troy.