cho dù dài đến thế, nó vẫn là quá ngắn đối với những tai hoạ không gì sánh
nổi mà nó giáng xuống Hy Lạp. Chưa từng thấy nhiều thành bị chiếm đoạt
và tàn phá đến thế bao giờ, nơi thì bởi quân man di, nơi thì bởi các phe phái
đang tranh giành (đôi khi những cư dân lâu đời bị đuổi sạch đi để lấy chỗ
cho những dân khác), chưa từng thấy cảnh lưu đày và đầu rơi máu chảy
nhiều đến thế bao giờ, khi thì trên chiến trường, khi thì trong cuộc xung đột
phe phái. Những chuyện xảy ra thời xưa được lưu truyền hậu thế như truyền
thuyết, nhưng hiếm khi được chứng thực bằng chiêm nghiệm, bỗng chốc
không còn là chuyện lạ khó tin nữa; đã xảy ra những trận động đất với phạm
vi và cường độ chưa từng thấy; nhật thực xảy ra với tần suất chưa từng được
ghi lại trong sử sách trước đó; có những trận đại hạn ở nhiều vùng khác nhau
đã kéo theo nạn đói, và cả cái tai ương thảm khốc nhất và gây chết chóc
nhiều nhất là bệnh dịch nữa. Tất cả những thứ này ập xuống với họ cùng
cuộc chiến tranh mới đây, khởi phát từ người Athens và người Peloponnese
do sự phá vỡ bản hoà ước ba mươi năm được lập sau cuộc tái chiếm
Euboea
. Với câu hỏi tại sao họ phá vỡ hoà ước đó, trước hết tôi xin trả lời
bằng cách thuật lại những lý do khiến họ cáo buộc lẫn nhau và những điểm
bất đồng, để không một ai còn phải hỏi han gì về nguyên nhân đã trực tiếp
đẩy người Hy Lạp vào một cuộc chiến tranh trọng đại nhường ấy. Tôi cho
rằng nguyên nhân thực sự là nguyên nhân đã chính thức bị bưng bít nhiều
nhất. Quyền lực của Athens ngày một lớn mạnh, và nỗi lo sợ mà quyền lực
này khơi gợi ra với Lacedaemon đã khiến chiến tranh là điều không thể
tránh được. Tuy vậy, cũng nên nêu ra những cái cớ được cả hai bến viện ra
dẫn đến việc phá vỡ hoà ước và khởi chiến.