địa điểm được xem là nơi thờ tự linh thiêng nhất của Hồi giáo; mười năm
cấm vận chống lại Iraq, mà theo như đánh giá của Liên Hiệp Quốc, đã gây
ra cái chết của hàng trăm nghìn trẻ em; việc Mỹ tiếp tục ủng hộ sự chiếm
đóng của Israel tại các khu vực của người Palestin, trong đó gồm hàng tỷ
đô-la viện trợ quân sự.
Tuy nhiên, các vấn đề này không thể giải quyết được nếu không có những
thay đổi nền tảng trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Nhưng những thay
đổi đó lại không được chấp nhận bởi các tổ hợp công nghiệp – quân sự, vốn
chi phối cả hai chính đảng, bởi lẽ nó đòi hỏi việc rút quân khắp nơi trên thế
giới, từ bỏ quyền kiểm soát chính trị và kinh tế của các quốc gia khác – tóm
lại là từ bỏ vai trò siêu cường mà Mỹ vẫn ấp ủ.
Những thay đổi mang tính nền tảng đó đòi hỏi sự thay đổi quyết liệt về các
thứ tự ưu tiên, từ việc mỗi năm chi khoảng từ 300-400 tỷ đô-la cho hoạt
động quân sự, sang việc sử dụng khoản tiền này để cải thiện mức sống
người Mỹ và người dân ở các nơi khác trên thế giới. Thí dụ, theo ước tích
của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ cần một phần nhỏ trong ngân sách quân sự
của Mỹ được dùng để điều trị bệnh lao phổi thì cũng đủ để cứu sống hàng
triệu người.
Với những thay đổi nêu trên về mặt chính sách, Mỹ sẽ không còn là cường
quốc quân sự, mà sẽ trở thành một cường quốc nhân đạo, sử dụng sự giàu
có của mình để giúp đỡ những người đang cần trợ giúp.
Ba năm trước khi xảy ra sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, một viên thiếu
tá không quân Mỹ tên là Robert Bowman, từng tham gia 101 trận không
kích tại Việt Nam, sau đó trở thành một giám mục Thiên chúa giáo, đã có
những bình luận về các vụ đánh bom khủng bố các sứ quán Mỹ tại Kenya
và Tanzania. Trong một bài báo trên tờ National Catholic Reporter, ông đã
viết về nguồn gốc chủ nghĩa khủng bố: