chịu sự kiểm soát của xã hội. Josephus, trong tác phẩm biện hộ cho đức tin
Do Thái của mình, Contra Apionem (Chống lại Apion), mô tả cách làm này
như sau:
Với chúng tôi, không phải ai cũng được viết lách… Chỉ các nhà tiên tri mới có đặc quyền ấy,
có được tri thức về lịch sử xa xưa và cổ đại nhất thông qua cảm hứng mà họ nợ cùng Chúa, và
cam kết ghi chép rõ ràng về những sự kiện của thời họ như chúng đã diễn ra… Chúng tôi
không sở hữu vô vàn thứ sách thiếu nhất quán, thứ nọ mâu thuẫn với thứ kia Sách của chúng
tôi, được phê chuẩn một cách công bằng, có hai mươi hai cuốn, và chứa những ghi chép của
mọi thời.
Khi nói “được phê chuẩn một cách công bằng,” Josephus hàm ý là “tuân
theo giáo luật.” Từ giáo luật
là một từ rất cổ, trong tiếng Sumer có nghĩa là
“sậy,” và từ đó có nghĩa là thẳng hay đứng thẳng; với người Hy Lạp nó có
nghĩa là một quy định, ranh giới hay chuẩn mực. Người Do Thái là những
người đầu tiên dùng nó cho các văn bản tôn giáo. Đối với họ, nó có nghĩa là
các tuyên bố của Chúa về quyền hạn miễn bàn hay những bài viết tiên tri
lấy cảm hứng từ thần thánh. Do đó, mỗi cuốn sách, để được chấp nhận
thành giáo luật, phải có một nhà tiên tri đích thực được công nhận là tác giả
của nó.
Giáo luật bắt đầu xuất hiện khi Ngũ Thư, năm quyển đầu tiên hay
năm quyển Moses, sau này trở thành kinh Torah đối với người Do Thái, có
dạng viết. Trong phiên bản nguyên thủy nhất, Ngũ Thư có lẽ có từ thời
Samuel, nhưng dưới dạng như chúng ta có ngày nay, nó là một tập hợp của
năm yếu tố và có lẽ nhiều hơn thế: một nguồn từ miền nam, nhắc đến Chúa
như là Yahweh, và có từ thời những bài viết Moses nguyên gốc; một nguồn
từ miền bắc, gọi Chúa là “Elohim,” cũng có niên đại rất cổ; Đệ nhị luật, hay
các phần của nó, quyển “bị mất” được tìm thấy trong Ngôi đền vào thời
điểm diễn ra các cuộc cải cách của Joshua; và hai bộ luật riêng rẽ được
thêm vào mà các học giả gọi là Bộ luật Tư tế (Priestly Code) và Bộ luật
Thánh thiêng (Holiness Code), cả hai có từ thời việc thờ cúng tôn giáo đã
được chính thức hóa và đẳng cấp tư tế được siết chặt.