Tuy nhiên, có một khác biệt cơ bản giữa câu chuyện Đại hồng thủy trong
Kinh Thánh với các sử thi Babylon-Sumer. Không như Ziusudra, Noah là
một nhân vật đạo đức, được gắn chặt vào sơ đồ giá trị mà Sáng thế ký xác
định ngay từ đầu. Hơn nữa, trong khi câu chuyện của sử thi Gilgamesh kể
lại các sự kiện riêng lẻ mà thiếu đi một bối cảnh đạo đức và lịch sử thống
nhất, thì phiên bản của người Do Thái xem mỗi sự kiện như các vấn đề đạo
đức có liên quan, và về tổng thể thì các sự kiện là nhân chứng cho một kế
hoạch của Chúa. Đó là sự khác biệt giữa văn học thế tục với văn học tôn
giáo, giữa việc ghi chép văn hóa dân gian thuần túy với lịch sử có chủ ý,
mang tính tiền định.
Hơn nữa, Noah không chỉ là con người có thật đầu tiên trong lịch sử Do
Thái: câu chuyện về ông là điềm báo cho các thành tố quan trọng trong tín
ngưỡng Do Thái. Chúa của người Do Thái có một sự ám ảnh với chi tiết
đóng thuyền và chất đồ lên thuyền. Có ý niệm về con người đạo đức ở đây.
Thậm chí quan trọng hơn, có sự nhấn mạnh của người Do Thái về tầm quan
trọng tối thượng của sự sống con người, do mối quan hệ tưởng tượng giữa
con người với Chúa, xảy ra trong đoạn 6 quan trọng của Sáng thế ký 9: “Ai
đổ máu người, do người, máu nó sẽ phải đổ ra. Vì theo hình ảnh Thiên
Chúa, (Thiên Chúa) đã làm ra con người.” Đây có thể được gọi là giáo lý
trung tâm của đức tin Do Thái, và điều quan trọng là nó diễn ra cùng với
Đại hồng thủy, sự kiện lịch sử đầu tiên được xác nhận từ ngoài Kinh Thánh.
Các đoạn nói về Đại hồng thủy cũng lần đầu tiên nhắc đến một giao kèo và
là tham khảo sớm nhất về vùng đất Canaan.
Nhưng những chủ đề này tái
hiện mạnh mẽ hơn khi chúng ta lướt qua từ danh sách các vua sau thời Đại
hồng thủy tới các tổ phụ. Giờ thì chúng ta có thể trở lại với câu hỏi về nhân
dạng và nguồn gốc của Abraham. Điều mà Kinh Thánh nói trong các
chương 11-25 của Sáng thế ký, rằng Abraham, lúc đầu là Abram, hậu duệ
của Noah, di cư từ “Ur của người Chaldea,” ban đầu tới Haran, rồi tới các
nơi khác nhau ở Canaan, đến Ai Cập vào thời đói kém, rồi trở về Canaan và