hết các luật nhịn ăn của người Do Thái đơn giản chỉ là một sự trừng phạt
cho những việc làm sai trái của họ trong quá khứ, và do vậy bãi bỏ các luật
đó, dù ông giữ lại các điều cấm liên quan đến thịt lợn, máu me và xác súc
vật, và một số quy định về giết thịt súc vật. Tất cả những thay đổi này khiến
cho việc sáp nhập các cộng đồng Do Thái và Hồi giáo trở nên hoàn toàn bất
khả thi, cho dù họ có thể nhất trí đến đâu về các yếu tố đạo đức hay giáo lý
cơ bản; nhưng ngoài ra, Hồi giáo nhanh chóng phát triển một xung lực giáo
lý của riêng mình, và cuộc tranh luận thần học - dẫn tới khuynh hướng bè
phái bạo lực - nhanh chóng bắt đầu đóng vai trò trung tâm trong Hồi giáo,
giống như trong Kitô giáo.
Trên hết, Hồi giáo nhanh chóng tạo ra một lý thuyết và thực hành cải đạo
ép buộc, như người Do Thái đã từng làm thời Joshua, David và
Hasmoneus, nhưng đây là thứ lý thuyết và thực hành mà Do Thái giáo dòng
giáo sĩ đã từ bỏ hoàn toàn và dứt khoát. Hồi giáo phổ biến với tốc độ đáng
kinh ngạc, bao trùm Cận Đông, toàn bộ phía nam Địa Trung Hải, Tây Ban
Nha và những khu vực mênh mông ở châu Á. Đến đầu thế kỷ 8, các cộng
đồng Do Thái, vốn vẫn giữ chỗ đứng chông chênh trong thế giới Hy Lạp và
Latin, bỗng thấy mình được bao bọc trong một nền thần quyền Hồi giáo
rộng lớn, mà theo một nghĩa nào đó họ đã sinh ra và từ bỏ, và giờ thì nó
đang nắm giữ chìa khóa cho sự sinh tồn của họ. Nhưng đến lúc này họ đã
phát triển được hệ thống hỗ trợ sự sống cho riêng mình là Talmud, và công
thức tự trị độc đáo của nó - chế độ giáo sĩ trị.