Hitler dường như đã ban lệnh giết người hàng loạt ở các trung tâm cố định
vào tháng 6 năm 1941, cùng thời điểm các đơn vị giết người lưu động đi
vào hoạt động. Nhưng như chúng ta đã thấy, bấy giờ việc giết người có quy
mô bằng hơi độc đã và đang diễn ra rồi: vào tháng 3 năm 1941 Himmler đã
chỉ đạo Höss, chỉ huy ở trại Auschwitz, mở rộng trại cho mục đích này.
Himmler nói với ông này rằng trại đã được chọn vì dễ dàng tiếp cận bằng
đường sắt và biệt lập với các trung tâm dân cư. Không lâu sau, Himmler chỉ
đạo Odilo Globocnik, người đứng đầu lực lượng cảnh sát SS ở Lublin, xây
Majdanek, và sĩ quan này trở thành người đứng đầu một mạng lưới giết
người bao gồm hai trại tử thần khác, Belzec và Sobibor. Trật tự chỉ huy như
thế này: lệnh của Hitler đi qua Himmler, và từ Himmler xuống các chỉ huy
trại. Riêng Hermann Göring, với tư cách sếp của Kế hoạch Bốn năm, thì
tham gia về mặt hành chính trong việc thu xếp sự hợp tác giữa các cơ quan
nhà nước khác nhau. Đây là một điểm quan trọng cho thấy rằng trong khi
đơn vị thi hành Holocaust là SS, thì tội ác nói chung là một nỗ lực quốc gia
có sự tham gia của tất cả các tầng bậc trong chính quyền Đức, từ lực lượng
vũ trang, nền công nghiệp cho đến Đảng. Như lời Hilberg, “Hợp tác giữa
các tầng bậc này hoàn thiện tới nỗi chúng ta có thể thực sự nói rằng chúng
hợp thành một cỗ máy hủy diệt.”
Göring giao nhiệm vụ điều phối cho Heydrich, người đứng đầu RSHA và
lực lượng Cảnh sát An ninh, làm cầu nối giữa nhà nước với Đảng, và gửi
cho Heydrich một mệnh lệnh bằng văn bản, ngày 31 tháng 7 năm 1941:
Để bổ sung cho nhiệm vụ được giao cho ông trong sắc lệnh ngày 24 tháng 1 năm 1939, tức
nhiệm vụ giải quyết vấn đề Do Thái bằng cách di cư và di tản theo cách thuận lợi nhất có thể,
với tình hình hiện tại, tôi giao cho ông thực hiện tất cả những chuẩn bị cần thiết về mặt tổ
chức, thực lực và tài chính, để giải quyết rốt ráo vấn đề Do Thái trong phạm vi ảnh hưởng của
Đức ở châu Âu. Vì năng lực của các tổ chức trung ương khác bị tác động nên các tổ chức đó
cũng phải tham gia.