đưa người sống sót lên các đoàn tàu đi Ba Lan, kể lại: “Đàn ông quỳ gục
trước mặt tôi, xé rách áo và hét lên: ‘Giết tôi luôn đi!’ Họ nói, ‘Anh có thể
giết tôi bây giờ, dù gì tôi cũng chết nếu quay lại Ba Lan.’”
Trong một số
trường hợp, chứng tỏ họ đúng. Ở Ba Lan, các cuộc bạo động bài Do Thái
nổ ra ở Cracow vào tháng 8 năm 1945, lan tới Sosnowiec và Lublin. Luba
Zindel, trở về Cracow từ một trại tập trung của Đức Quốc xã, mô tả một
cuộc tấn công vào giáo đường trong ngày Sabbath đầu tiên của tháng 8:
“Họ hét lên rằng chúng tôi đã phạm tội giết người cho nghi lễ. Họ bắt đầu
bắn chúng tôi và đánh đập chúng tôi. Chồng tôi đang ngồi cạnh tôi. Ông ấy
đổ gục xuống, mặt đầy vết đạn.” Bà tìm cách chạy sang phương Tây, nhưng
bị lính của Patton chặn lại. Đại sứ Anh ở Warsaw báo cáo rằng bất cứ ai ở
Ba Lan trông giống người Do Thái đều gặp nguy hiểm. Trong bảy tháng
đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc, có 350 vụ giết người mang tính bài
Do Thái ở Ba Lan.
Dù vậy, ở hai khía cạnh quan trọng, với quy mô khủng khiếp của nó,
Holocaust đã mang lại một sự thay đổi về chất trong cách mà xã hội quốc tế
phản ứng trước bạo lực gây ra cho người Do Thái. Toàn thế giới nhất trí
rằng cả trừng phạt lẫn bồi thường đều cần thiết, và ở một mức độ nào đó cả
hai đều đã được thực hiện. Các phiên xử tội ác chiến tranh bắt đầu ở
Nuremberg ngày 20 tháng 11 năm 1945, với Giải pháp Cuối cùng là một
yếu tố chính trong phần luận tội. Phiên xét xử các lãnh đạo Đảng Quốc xã
đầu tiên kết thúc ngày 1 tháng 10 năm 1946, trùng với Ngày Chuộc tội, có
12 bị cáo bị kết án tử hình, 3 bị kết án chung thân, 4 bị kết án tù có thời
hạn, và 3 được tha bổng. Tiếp sau đó là 12 phiên xử lớn các tội phạm Đảng
Quốc xã, được gọi là Các Phiên xử Hậu Nuremberg, trong đó có bốn phiên
xử thì việc lên kế hoạch và thực hiện Giải pháp Cuối cùng là một yếu tố
chính. Trong 12 phiên xử này, 177 thành viên Đảng Quốc xã bị kết tội,
trong đó 12 bị kết án tử hình, 25 bị kết án chung thân, và những kẻ còn lại
bị kết án tù dài hạn. Còn nhiều phiên xử nữa ở ba khu vực chiếm đóng phía
tây, gần như tất cả các phiên xử này đều liên quan đến những hành vi tàn
bạo chống lại người Do Thái. Từ năm 1945 đến năm 1951, tổng cộng 5.025