góa phụ có thể không tái hôn. Trường hợp này thực tế đã xảy ra hồi năm
1967 ở Ashdod; hơn nữa, có lúc người đàn ông câm điếc đã có vợ rồi. Nên
giáo sĩ sẽ thu xếp một cuộc hôn nhân một chồng hai vợ và giám sát cuộc ly
hôn ngày hôm sau.
Những vụ khó cũng xuất hiện khi một bên trong cuộc
hôn nhân từ chối ly hôn. Nếu người phụ nữ từ chối thì ly hôn trở nên khó
khăn, nhưng nếu người đàn ông từ chối thì ly hôn không thể diễn ra. Chẳng
hạn, trong một vụ năm 1969, người chồng bị kết án 14 năm tù vì gây ra sáu
vụ tấn công tình dục và ba vụ cưỡng hiếp. Người vợ kiện đòi ly hôn, người
chồng từ chối và họ vẫn là vợ chồng theo luật giáo sĩ, người vợ không có
giải pháp dân sự nào ở Israel, về những vụ như vậy, Giáo sĩ Zerhah
Warhaftig, cựu Bộ trưởng Tôn giáo, có quan điểm thoải mái: “Chúng ta có
một hệ thống pháp luật vốn luôn đáp ứng nhu cầu của người dân. Hệ thống
này có thể mang trong mình một số cái gai thi thoảng đâm vào một cá nhân
nào đó. Chúng ta không quan tâm đến cá nhân này hay cá nhân khác mà
chúng ta quan tâm đến toàn thể người dân.”
Quan điểm này lẽ ra đã có thể được thể hiện tốt hơn, nhưng dù sao đi nữa
nó cũng hàm chứa sự thật, thu hút sự chú ý tới những khó khăn của quốc
gia mới thành lập, rằng Do Thái giáo là một tôn giáo cầu toàn. Điểm mạnh
của nó nằm trong chính các điểm yếu của nó. Nó cho rằng những ai thực
hành Do Thái giáo là tầng lớp tinh hoa, vì Do Thái giáo tìm cách tạo ra một
xã hội kiểu mẫu. Điều đó khiến Do Thái giáo theo nhiều cách khác nhau đã
trở thành một tôn giáo lý tưởng cho một quốc gia mới như Israel, mặc dù
luật Do Thái giáo được tạo ra khoảng 3.200 năm trước khi nhà nước Israel
được thành lập. Vì tính liên tục độc đáo của Do Thái giáo nên nhiều điều
luật cổ xưa nhất của nó vẫn có giá trị và được người mộ đạo tuân thủ.
Chúng thường phản ánh hình thức hơn là nội dung của sự thật tôn giáo,
nhưng cũng cần nhấn mạnh một lần nữa là “nghi thức chủ nghĩa” với người
Do Thái không phải là từ có ý chỉ trích. Như Tiến sĩ Harold Fisch, Hiệu
trưởng đầu tiên của Đại học Bar-Ilan, nói: