đã bỏ phiếu nghiêng hẳn về phía Đảng Dân chủ, đôi khi tỉ lệ lên tới 85-
90%. Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy ảnh hưởng của người Do
Thái đối với các tổng thống thuộc Đảng Dân chủ hay chính sách mang tính
quyết định tương xứng. Trên thực tế, trong những năm 1960 và 1970, lòng
trung thành liên tục của cử tri Do Thái đối với Đảng Dân chủ dường như
ngày càng dựa trên cơ sở tình cảm-lịch sử hơn là sự tương đồng lợi ích.
Trong những năm 1980, hầu hết người Do Thái vẫn bầu cho Đảng Dân chủ,
phần nào gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu về bầu cử, mặc dù tỉ lệ bỏ
phiếu giảm xuống còn khoảng 60%. Trong cuộc bầu cử năm 1984, họ là
nhóm tôn giáo duy nhất (trừ người vô thần) dành cho ứng viên Đảng Dân
chủ sự ủng hộ đa số, và là nhóm sắc tộc duy nhất (trừ người da đen). Người
Do Thái bỏ phiếu như vậy không phải vì những lý do kinh tế hay chính
sách đối ngoại chung, mà vì sự thông cảm còn sót lại dành cho người nghèo
và người bị thua thiệt.
Đến 25 năm cuối thế kỷ 20, khái niệm “vận động
hành lang Do Thái” trong nền chính trị Mỹ ở một mức độ nào đó đã trở
thành chuyện hoang đường.
Những gì diễn ra trong mối quan hệ của các công dân Do Thái với Mỹ nói
chung là một chuyện hoàn toàn khác và quan trọng hơn nhiều: đó là sự
chuyển biến của thiểu số Do Thái thành một yếu tố cốt lõi của xã hội Mỹ.
Trong suốt thế kỷ 20, người Do Thái Mỹ tiếp tục tận dụng tối đa các cơ hội
mà nước này mở ra cho họ, để đi học đại học, trở thành bác sĩ, luật sư, giáo
viên, nam giới và nữ giới có tay nghề trong đủ mọi lĩnh vực, chính trị gia
và công chức nhà nước, cũng như làm ăn phát đạt trong ngành tài chính và
kinh doanh như họ vẫn luôn là vậy. Họ đặc biệt mạnh trong khu vực doanh
nghiệp tư nhân, trong báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và giải trí,
và trong đời sống tri thức nói chung. Có những lĩnh vực nhất định mà họ
thống trị, chẳng hạn như sáng tác truyện. Họ rất đông và thành công ở khắp
nơi. Dần dà, trong nửa sau thế kỷ, ảnh hưởng văn hóa của sự thành công
vượt trội này trở nên phổ biến và len lỏi trong mọi ngóc ngách giống như
tầng lớp tinh hoa trước đó, người Tin Lành Anglo-Saxon da trắng. Người
Do Thái không còn là một nhóm vận động hành lang trong xã hội Mỹ nữa.