Năm 1972, tờ tạp chí của Sứ quán Liên Xô ở Paris đăng lại vài
đoạn trong một cuốn sách mỏng bài Do Thái thời Sa hoàng được xuất bản
năm 1906 bởi nhóm Trăm Đen, từng tổ chức các vụ thảm sát trước năm
1914. Trường hợp này có thể kiện ra tòa án Pháp, vì người xuất bản (một
thành viên quan trọng của Đảng Cộng sản Pháp) phạm tội kích động bạo
lực sắc tộc.
Một số tư liệu bài Do Thái của Liên Xô được lưu hành ở một
mức độ rất rộng đến gần như không thể tin được. Trong một biên bản ghi
nhớ của ủy ban Trung trong ngày 10 tháng 1 năm 1977, một chuyên gia bài
Do Thái Liên Xô, Valery Emelianov, cho rằng Mỹ bị kiểm soát bởi một âm
mưu Zion-Tam điểm mà bề ngoài là do Tổng thống Carter cầm đầu, nhưng
thực ra nằm dưới sự kiểm soát của cái mà ông này gọi là “Gestapo B’nai
B’rith.” Theo Emelianov, người Zion đã thâm nhập xã hội phi Do Thái
thông qua các thành viên Tam điểm, mà mỗi người trong họ là một tay chỉ
điểm Zion tích cực; bản thân chủ nghĩa Zion dựa trên “tháp Do Thái giáo-
Tam điểm.”
Tảng đá chốt vòm của tòa nhà bài Do Thái Xô Viết (tưởng tượng) đã xuất
hiện trong những năm 1970, dưới dạng lời cáo buộc rằng người Zion là
những kẻ phân biệt chủng tộc kế vị Đức Quốc xã, được “chứng minh” bằng
“bằng chứng” cho thấy Holocaust của Hitler là một âm mưu Do Thái-Đức
Quốc xã hòng tống khứ người Do Thái nghèo vô dụng trong các kế hoạch
Zion. Quả thực, có ý kiến cho rằng Hitler lấy ý tưởng từ Herzl. Các nhà
lãnh đạo Do Thái-Zion, hành động theo lệnh của các triệu phú Do Thái vốn
kiểm soát tư bản tài chính quốc tế, giúp SS và Gestapo dồn những người
Do Thái không cần đến vào trong các lò hơi ngạt hoặc vào các kibbutz ở
vùng đất Canaan. Âm mưu Do Thái-Đức Quốc xã này được bộ máy tuyên
truyền Liên Xô sử dụng làm nền cho những lời cáo buộc về các hành vi tàn
ác của chính phủ Israel, nhất là trong và sau các chiến dịch ở Lebanon năm
1982. Tờ Pravda viết ngày 17 tháng 1 năm 1984, vì người Zion vui mừng
khi tham gia cùng Hitler tiêu diệt những người không cần đến, nên không
có gì ngạc nhiên khi họ giờ đây đang thảm sát người Ả-rập Lebanon mà họ
coi không phải là người.