đây có thế tiến thoái lưỡng nan của các cộng đồng Do Thái thời cổ đại, cố
gắng kết hợp sự xuất sắc về mặt đạo đức của một nền thần quyền với nhu
cầu thực tế của một nhà nước có khả năng tự bảo vệ mình. Thế tiến thoái
lưỡng nan này đã được tái tạo trong thời của chúng ta dưới hình dạng
Israel, được lập ra để thực hiện một lý tưởng nhân đạo, và phát hiện ra rằng
nó phải nhẫn tâm, đơn giản là để sống sót trong một thế giới thù địch.
Nhưng đây chẳng phải là một vấn đề tái diễn tác động đến mọi xã hội loài
người sao? Tất cả chúng ta đều muốn xây dựng. Tất cả chúng ta đều trôi
ngược về các Thành của Đồng bằng. Dường như vai trò của người Do Thái
là tập trung và kịch tính hóa những trải nghiệm chung này của nhân loại,
biến số phận của mình thành một quy tắc đạo đức phổ quát. Nhưng nếu
người Do Thái có vai trò này thì ai đã viết nó cho họ?
Nhà sử học nên chú ý tới việc tìm kiếm các mẫu hình theo ý Chúa trong các
sự kiện. Những mẫu hình này được tìm thấy quá dễ dàng, vì chúng ta là
những sinh vật nhẹ dạ, sinh ra để tin, được trang bị trí tưởng tượng mạnh
mẽ sẵn sàng tạo ra và sắp xếp lại dữ liệu để phù hợp với bất cứ kế hoạch
tiên nghiệm nào. Tuy nhiên, hoài nghi thái quá có thể dẫn tới sự bóp méo
nghiêm trọng hoặc nhẹ dạ cả tin. Nhà sử học nên cân nhắc mọi dạng bằng
chứng, gồm cả những bằng chứng siêu hình hoặc có vẻ siêu hình. Với
chúng ta, nếu những người Do Thái hồi đầu có thể khảo sát được lịch sử
hậu duệ của họ, thì họ sẽ không thấy điều gì bất ngờ trong đó. Họ luôn biết
rằng xã hội Do Thái được chỉ định là một dự án thí điểm cho toàn bộ loài
người. Việc các thế tiến thoái lưỡng nan, tấn kịch và thảm hoạ phải mẫu
mực, khoa trương đối với họ là điều tự nhiên. Việc người Do Thái trong
nhiều thiên niên kỷ bị căm ghét một cách kinh khủng như vậy, thậm chí
không thể giải thích nổi, là điều đáng tiếc nhưng không có gì bất ngờ. Trên
tất cả, việc người Do Thái vẫn sống sót, trong khi tất cả các dân tộc cổ đại
khác đã bị biến đổi hoặc biến mất trong các hầm tối của lịch sử, là điều
hoàn toàn có thể dự đoán được. Làm sao có thể khác được? Ý Chúa đã định
và người Do Thái tuân theo. Nhà sử học có thể nói: không có cái gì gọi là ý
Chúa cả. Có thể là không. Nhưng niềm tin của con người vào một động lực