áp các tôn giáo lầm lạc. Tuyên ngôn này nói rằng mọi người đều có quyền
tự do tuân giữ và thực hành bất cứ tôn giáo nào họ muốn mà không bị ép
buộc, miễn là họ tôn trọng ích lợi chung cũng như quyền lợi của người
khác về việc sống đức tin. Căn bản của văn kiện này là giúp ý thức một
cách sâu đậm hơn về phẩm giá con người mà sự tự do lựa chọn tôn giáo
của họ được tôn trọng một cách trọn vẹn.
Sắc Lệnh về Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica)
Là một trong những văn kiện được hình thành và biểu quyết sớm nhất trong
công đồng, sắc lệnh này đôi khi bị chỉ trích vì thiếu chiều sâu hoặc tính
cách uyên thâm như các văn kiện khác. Tuy nhiên, nó bao gồm các nguyên
tắc cũng như các hướng dẫn luân lý quan trọng cho việc sử dụng phương
tiện truyền thông xã hội, là một vấn đề rất quan trọng trong thời đại mà các
phương tiện thông tin phát triển mau chóng và sự tuyên truyền được sử
dụng để ảnh hưởng đến quần chúng trong thời đại ngày nay. Tuyên ngôn
này chỉ là bước khởi đầu, vì Giáo Hội cần có thêm những giáo huấn cần
thiết để hướng dẫn người Công Giáo và thế giới trong lãnh vực nhiều mâu
thuẫn này.
Những Thành Quả của Công Ðồng Vatican II
Công Ðồng Vatican II canh tân đời sống Giáo Hội và đưa Giáo Hội vào
một tương giao tích cực, cởi mở hơn đối với các Kitô Hữu khác, với người
ngoài Kitô Giáo, và với thế giới hiện đại.
Sinh Hoạt Trong Lòng Giáo Hội Công Giáo
Có nhiều thay đổi quan trọng trong sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo. Hệ
thần học dựa trên Thánh Tôma Aquinas và các trường phái thời Trung Cổ,
tuy vẫn được Giáo Hội Công Giáo tôn trọng, nhưng không còn được coi
như cách tiếp cận thần học chính đáng duy nhất của Công Giáo. Nhiều sự
tự do được ban cho các nhà chú giải kinh thánh, các sử gia, và các học giả
Công Giáo để họ khám phá ra các tiếp cận mới trong lãnh vực khảo cứu.