CHƯƠNG III: GIÁO HỘI THỜI
TRUNG CỔ (600 - 1300)
Giai đoạn bảy trăm năm này của lịch sử Kitô Giáo được ghi dấu bằng sự
hoán cải của các dân tộc và các bộ lạc. Ðó cũng là thời kỳ xáo trộn chính
trị, và các xung đột xảy ra là để xác định mối tương giao đúng đắn giữa
Giáo Hội và nhà nước. Ở Tây Phương, điều này đưa đến sự xuất hiện “thế
giới Kitô Giáo,” sự liên minh giữa Giáo Hội và nhà nước. Thế giới Kitô
Giáo đem lại nhiều kết quả nhưng cũng tạo nên sự căng thẳng liên tục giữa
các giáo hoàng và hoàng đế, giữa các vị lãnh đạo Giáo Hội và nhà nước.
Ngoài ra còn có sự căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã của Tây
Phương và Giáo Hội Chính Thống Giáo Thánh Thiện của Ðông Phương.
Các lạc giáo và sự xuyên tạc đức tin Kitô Giáo chân chính bắt đầu xuất
hiện.
Cũng có những tiến bộ đáng kể trong Kitô Giáo thời Trung Cổ. Một số
các học giả cũng như thánh nhân Kitô Giáo xuất hiện, và văn hóa Kitô Giáo
đạt đến tầm mức mới trong lãnh vực nghệ thuật, văn chương, kiến trúc, và
thần học. Các dòng tu mới cũng phát triển, đem lại đời sống mới cho Giáo
Hội, và các đan viện cũ được canh tân. Trong thời kỳ này, có lúc tưởng như
Kitô Giáo đang trên bờ vực thẳm, nhưng ơn Chúa mạnh mẽ hơn bất cứ tình
thế nào đã giúp Giáo Hội vượt qua giai đoạn đầy hiểm họa và chúc lành
cho Giáo Hội với sự chiến thắng và sự phát triển. Các thế lực chính trị đã
ngăn chặn công cuộc truyền giáo phát triển ra ngoài ranh giới của Âu Châu
và Byzantine (khu vực phía đông của Ðịa Trung Hải), nhưng đó là thời gian
để biến Âu Châu thành một lục địa Kitô Giáo và để duy trì đức tin ở Ðông
Phương trước sự tràn lan của Hồi Giáo.