Thế Kỷ Thứ Bảy
Sự sụp đổ của Ðế Quốc Rôma cũ đã không làm nản lòng Thánh Grêgôriô
Cả, vị giáo hoàng từ 590 đến 604, là người đặt nền tảng cho Giáo Hội ở
Tây Âu trong thời Trung Cổ. Khi các nhà cầm quyền thế tục thất bại, Ðức
Giáo Hoàng Grêgôriô đã nắm quyền kiểm soát miền trung nước Ý và đã
cứu Rôma thoát khỏi nhiều cuộc xâm lấn của giặc Lombard. Ngài gửi các
đại diện đến các giáo hội Tây Phương để khuyến khích và kiên cường họ
trung thành với đức giáo hoàng. Các văn bản về thần học và linh đạo của
ngài đã hướng dẫn tư duy thời Trung Cổ. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô I đã
đích thân sai một đan sĩ Biển Ðức, Thánh Augustine, đến hoán cải người
Angle và người Saxon ở Anh Quốc. Không bao lâu, vua Aethelbert của xứ
Kent đã rửa tội, và Thánh Augustine được đặt làm giám mục của
Canterbury. Các đan sĩ Ái Nhĩ Lan hoặc Celtic (Xen-tơ), do các thánh
Adian và Cuthbert hướng dẫn, đã giúp hoán cải toàn thể nước Anh. Không
bao lâu, Anh Quốc đã gửi các nhà truyền giáo đi khắp Âu Châu, tỉ như một
đan sĩ Dòng Biển Ðức là Willebrord, nổi tiếng là vị Tông Ðồ cho người
Hòa Lan đã được đặt làm giám mục cho phần đất này vào năm 695.
Trong Kitô Giáo Ðông Phương, công đồng thứ sáu được triệu tập ở
Constantinople từ 680 đến 681 (Công Ðồng Constantinople III). Các giám
mục lên án điều tin tưởng sai lạc là Ðức Giêsu chỉ có một ý chí, là ý chí
Thiên Chúa, do lạc giáo Monotheletism chủ xướng. Nếu Ðức Giêsu có hai
bản tính, thiên tính và nhân tính, thì Người cũng phải có hai ý chí — thiên
ý và nhân ý.
Về phương diện chính trị, Hồi Giáo là đám mây đen ở chân trời.
Mohammed từ trần năm 632, và các tín đồ của ông ngày càng gia tăng thế
lực về quân sự và đe dọa xâm lăng Âu Châu. Chỉ sau khi họ bại trận trong
các cuộc chiến chống với lực lượng Kitô Giáo Ðông Phương ở
Constantinople từ 674 đến 678, và từ 717 đến 718, và ở mặt trận Tours năm
732, lúc ấy Âu Châu mới thoát khỏi sự chinh phục của các lực lượng Hồi
Giáo.