Việc đào kinh cứ gia tăng từ năm 1880 :
1880—1890 đào 2.110.000 thước khối đất. Năm 1890, diện tích ruộng là
932.000 mẫu, tăng 169.000 mẫu, so với thời đàng cựu.
1890—1900 đào 8.106.000 thước khối. Năm 1900, diện tích ruộng là
1.212.000 mẫu, tăng 280.000 mẫu so với năm 1890.
1900—1910 đào 27.491.000 thước khối đất. Năm 1910, diện tích canh tác
là 1.542.000 mẫu, so với năm 1900, tăng 331.000 mẫu.
1910—1920 đào 66.104.000 thước khối đất. Năm 1920, diện tích canh tác
là 1.953.000 mẫu, tức gia tăng 410.000 mẫu so với năm 1910.
1920—1930 đào 72.042.000 thước khối. Diện tích canh tác năm 1930 là
2.452.000 mẫu, so với năm 1920, tăng thêm 499.000 mẫu.
Nhìn qua thì thập niên đầu (1880—1890) đến thập niên chót, số thước khối
đất phải đào để khẩn thêm một mẫu ruộng là 12 thước khối, rồi tăng lên
đến 28, đến 83, rồi phải 161, đến mức 144 thước khối.
Như vậy có nghĩa là trong tổng quát, càng ngày việc đào kinh càng tốn kém
hơn. Năm 1890, muốn khai thác một mẫu đất mới, chỉ cần đào 12 thước
khối. Năm 1930, muốn khai thác thêm một mẫu đất phải đào đến 144 thước
khối, hơn 10 lần.
Hiện tượng trên đây có thể giải thích :
— Trước khi người Pháp đào kinh xáng đã có một số đất ruộng khá tốt, có
năng xuất cao sẵn rồi, không đào thêm một thước khối đất nào nữa thì
cũng có dư lúa để bán ra ngoài.
— Diện tích đất hoang chỉ có giới hạn, càng đào kinh thì diện tích ấy càng
thu hẹp lại.
— Tới mức chót, có đào thêm kinh nơi đất quá xấu thì diện tích ruộng canh
tác cũng không tăng bao nhiêu. Người khẩn đất không thích đến, làm ăn
thưa thớt, không như trong đợt đầu tiên đào kinh qua vùng đất tốt.
Hơn nữa, việc sản xuất lúa gạo đòi hỏi nhiều yếu tố khác, ngoài yếu tố
thuần túy kỹ thuật : vay mượn vốn để làm mùa, quy chế cho trưng khẩn, giá
cả trên thị trường quốc tế.
Tính đến năm 1930 thì những tỉnh có đất phù sa tốt như Bến Tre, Chợ Lớn,
Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng