quả tốt ở Long Xuyên. Riêng tỉnh Châu Đốc, tăng thêm đến 5000 mẫu lúa
sạ và 9500 mẫu lúa ba trăng.
Con kinh Cái Sắn đã đào xong, lộ xe Rạch Giá Long Xuyên thành hình bắt
đầu cho lưu thông vào năm 1929, giúp cho cánh đồng Cái Sắn dễ khai thác
suốt 60 cây số ngàn..
Tại khu vực Bình Đông Bình Tây, người Huê kiều lạc quan tới mức lạm
phát nhà máy xay lúa gạo : năm 1925 có 46 nhà máy cỡ lớn, năm 1927 đến
66.
Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu có ảnh hưởng đối với Đông Dương từ
giữa năm 1930. Đặc điểm của cuộc khủng hoảng này là lúa gạo vẫn có thể
bán ra được, có nơi tiêu thụ nhưng với giá quá rẻ.
Giá gạo tại Sài Gòn sụt lần từ 13,30 đồng mỗi 100 kí lô (vào tháng 4/1930)
còn 3,20 đồng (vào tháng 11/1933). Theo P. Bernard, gạo mất giá từ 72
đến 76 % so với lúc trước. Nhưng trong thực tế ta thấy khác hơn :
— Năm 1928, lúa bán một giạ (40 lít) là 1,2 đồng, theo bài vè Nọc Nạn
“lúa thì một giạ bán thì đồng hai”.
— Năm 1933, vào tháng 12, phái bộ Nam kỳ ở Đại Hội đồng kinh tế lý tài
Đông Dương đánh điện cho Bộ Thuộc địa rằng “Dân chúng đói khát lầm
than... lúa bán 1 cắc (1 giạ) ở Nam kỳ”.
Nguy cơ lớn lại xảy ra cho điền chủ Việt và luôn cả điền chủ Pháp. Đặc biệt
là điền chủ Việt bấy lâu thiếu nợ quá nhiều của nhà Băng hoặc của Chà
Chetty, với giấy tờ và những điều kiện đặc biệt. Vay bằng tiền thì phải trả
bằng tiền, chớ không được trả bằng lúa. Ngày trước, khi chưa có kinh tế
khủng hoảng, muốn thanh toán 1200 đồng bạc để trả tiền lời nợ, chỉ cần
bán 1000 giạ lúa. Năm 1933, muốn thanh toán số nợ trên phải bán đến
12.000 giạ lúa, tức là 12 lần nhiều hơn, một số lúa mà không bao giờ chủ
điền có dư nổi.
Tiểu điền chủ đã vay nợ của đại điền chủ với điều kiện ngặt nghèo hơn. Họ
đành chịu mất đất để trừ nợ. Một số lớn điền chủ đành chịu phát mãi đất.
Theo bác sĩ Trần Như Lân cũng là hội đồng quản hạt (quê ở Rạch Giá, nên
am hiểu tình thế khá cụ thể) thì vào năm 1933 nợ của điền chủ thiếu nhà
Băng và Chà Chetty lên tới 65 triệu đồng nhưng nhà nước chỉ cho vay lại