— trong thực tế — có 5 triệu. Số 5 triệu này, nhà nước không đưa ra bạc
mặt nhưng cho điền chủ mượn trên nguyên tắc, để trả nợ số mà điền chủ
đã thiếu nhà nước khi mua đất công thổ (trong khoảng 1921 đến 1930,
chánh phủ bán cho điền chủ 4.987.167 đồng về đất công thổ).
ở Hậu giang, ngay trong khi nền cai trị còn vững mạnh, hai biến cố lớn đã
làm lung lay chánh sách khẩn đất của thực dân Pháp : vụ Ninh Thạnh Lợi ở
Rạch Giá và vụ Nọc Nạn ở Bạc Liêu vào những năm 1927 và 1928. Báo
chí Sài Gòn nói nhiều, các chánh khách quốc gia thuộc đảng Lập Hiến cũng
lên án thực dân. Vụ Ninh Thạnh Lợi làm cho 17 người Miên chết vì thực
dân tàn sát. Vụ Nọc Nạn khiến cho 4 người Việt Nam chết. Họ là những
tiểu điền chủ, họ tự động chống cự với thực dân, tuyệt nhiên không ai xúi
dục; lúc bấy giờ ở miền Nam chưa có đảng Cộng Sản.
Khuyết điểm căn bản của nước ta hồi thời Tự Đức là chánh sách bế quan
tỏa cảng, vì vậy mà lúa bán không được giá. Người dân chỉ làm ruộng trong
mức đủ ăn. Điền chủ thì cho vay lấy địa tô để đóng thuế cho triều đình và
dành dụm tiền bạc mà ăn xài, hưởng thụ cá nhân, sắm vàng để lại cho con
cháu, lập vường tược để dưỡng già, nếu dư thì đầu tư vào việc mua thêm
đất ruộng.
Thực dân Pháp cho áp dụng chánh sách thông thương, phát triển xuất cảng,
tìm thị trường mới cho lúa gạo Nam kỳ với những tàu máy chở chuyên
nhanh và nhiều. Giá gạo tăng gấp 5 lần so với thời Tự Đức. Đó là lý do
chánh yếu khiến cho dân chúng lần hồi sống an phận và có phần vui vẻ với
Tân trào, các lãnh tụ cầm đầu nghĩa quân với mục đích phò vua lần hồi
chẳng còn ai theo.
Nhưng việc mở mang thương cảng Sài Gòn và phát triển thương mãi, thâu
vét tài nguyên và lợi dụng nhân công rẻ của thực dân Pháp đã gây thêm
nhiều mâu thuẫn trong nước :
— Phong trào Hội kín thành hình theo kiểu Thiên Địa Hội, đã liên kết được
một số nông dân có kỳ thị với văn hóa Tây phương. Phật giáo Bửu Sơn Kỳ
Hương ở vùng Thất Sơn phát triển thêm. Một lực lượng đáng kể cũng tập
họp ngay trong thành phố Sài Gòn gồm những nông dân chưa thích ứng
được với hoàn cảnh mới, vì vậy mà xảy ra hai cuộc khởi loạn năm 1913 và