Lịch sử khẩn hoang ở miền Nam ít ra cũng giúp ta thấy được một thực tế. ý
thức dân tộc phát triển mạnh khi sinh hoạt làng xóm thành nền nếp và sinh
hoạt vật chất được tạm ổn định. Nếu khi người Pháp chiếm Nam kỳ vào
cuối thế kỷ 19, vùng Ba Giồng được nổi danh là nhờ đất xưa, gọi là địa
linh, thì kể từ cuộc kinh tế khủng hoảng 1930—1933 người bình dân ở
Rạch Giá, Cà Mau cũng bắt đầu theo dõi chuyện Nhựt đánh Mãn Châu, vụ
Thượng Hải, Ngô Tùng qua báo chí, qua lời thuật lại của một vài thầy giáo
làng từ Sa Đéc, Tam Bình thuyên chuyển xuống.
Họ thấy chế độ Pháp quả là không hợp thời. Họ hiểu rõ khi cho đào kinh
xáng, mở mang lộ xe, thực dân có dụng tâm gì. Và biện pháp hữu hiệu
nhứt để cho người ở trong vựa lúa miền Nam được hạnh phúc không phải
là cắt Nam kỳ ra để lập một tiểu quốc, để rồi không lấy tiền thuế của dân
Nam kỳ mà đem tài trợ cho ngân sách Đông Dương, dành tiền thuế của
người Nam kỳ cho riêng người Nam kỳ xài, như một chánh sách của đảng
Lập Hiến đề xướng cho “Pháp — Việt đề huề”. Các chiến sĩ Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh đưa ra biện pháp tích cực, hợp
với thực trạng của dân tộc hơn.