LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM - Trang 63

Sơn Nam

Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam

Chương 1 - 4

Làng xóm, điền đất và người dân thời đàng cựu

Trước khi người Pháp đến, đất Nam kỳ đã là nơi việc cai trị tổ chức thành
nền nếp khá minh bạch. Người Pháp nghiên cứu kỹ lưỡng, sửa đổi hoặc noi
theo phần nào để áp dụng có lợi cho việc thực dân. Những tài liệu sau đây
phần lớn rút từ “Những bài giảng về cách cai trị thời đàng cựu” do viên
tham biện nhiều kinh nghiệm là J.B. Eliacin Luro đem dạy tại trường Hậu
Bổ Sài Gòn vào năm 1875. Luro từng là sĩ quan tham gia đánh chiếm và
bình định xứ Nam kỳ. Thời ấy, tài liệu tuy bị mất mát nhưng còn khá
nhiều, vài viên chức thời đàng cựu đã giúp Luro biên soạn, đặc biệt là ông
Trần Nguơn Vị (bát phẩm cựu trào, tục danh ông Hạp) làm việc cho Pháp
thăng lần đến Đốc phủ sứ. Theo quy chế đàng cựu (thời Tự Đức) ở mỗi
tỉnh có năm phòng : phòng Lại, phòng Hộ, phòng Lễ... Ông Hạp là viên
chức đứng đầu một phòng, tương đương với chức vụ trưởng ty ngày nay.
Mỗi công văn đều lần lượt do thơ lại thảo ra, trình cho ông Hạp, ông Hạp
trình cho viên kinh lịch hoặc thông phán xem kỹ trước khi trình lên quan
Tổng đốc. Ông Hạp Trần Nguơn Vị là người vùng Lấp Vò (Long Xuyên)
nên trưng ra nhiều tài liệu về vùng này.

Về địa bộ năm Minh Mạng thứ mười bảy

Như đã nói, ở Nam kỳ đây là lần duy nhất triều đình tổ chức việc đo đạc do
Trương Đăng Quế cầm đầu, cùng với một số viên chức chuyên môn từ
kinh đô vào. Nên phân biệt địa bộ và điền bộ :
— Địa bộ ghi rõ từng khoảnh đất : diện tích, loại đất, ranh giới tứ cận, tên
người chủ.
— Điền bộ, gọi nôm na là bộ điền, chỉ ghi tên người chủ đất, diện tích, loại
đất, đặc biệt là số thuế phải đóng.
Địa bộ nặng về chi tiết liên quan đến tên họ chủ đất, ranh giới, diện tích mà
không ghi số thuế hàng năm trong khi điền bộ chỉ chú trọng vào thuế má :
thuế ấy ai phải trả ?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.