Sơn Nam
Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam
Chương 1 - 1
Nhu cầu phát triển xứ đàng trong, phục quốc và củng cố quốc gia
Những hành động quyết định
Từ lâu, các chúa Nguyễn đã biết về vùng đất ở Đồng Nai và Cửu Long,
nhưng cơ hội chưa thuận lợi để đẩy mạnh cuộc phát triển về phía Nam.
Năm 1623, một phái bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ
sở ở Prei Nokor (vùng Sài Gòn) để thu thuế hàng hóa.
Năm 1658, khi còn bận rộn giao tranh với chúa Trịnh ở phương Bắc, chúa
Hiền cho quan Khâm mạng đến Trấn Biên dinh (Phú Yên) đem 2000 quân
đến Mỗi Xui (Mô Xoài) để đánh phá, bắt vua Nặc Ông Chân giải về
Quảng Bình. Khi ấy ở Mỗi Xui (vùng Bà Rịa ngày nay) và ở Đồng Nai, “đã
có lưu dân của nước ta đến sống chung lộn với người Cao Miên khai khẩn
ruộng đất. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng
hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì”.
Năm 1672, tình hình vô cùng thuận lợi cho Hiền Vương, ngài đã thắng
chúa Trịnh, lấy sông Gianh làm ranh giới. Năm 1764, Cao Miên có loạn,
thêm lý do để quân chúa Nguyễn can thiệp, lần này phá luôn được các đồn
binh Cao Miên ở Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang sau khi thắng ở Mô
Xoài.
Bảy năm sau, 1679, Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch đem binh biền
và gia quyến hơn 3000 người và chiến thuyền hơn năm chục chiếc đến gần
kinh đô.
Hiền Vương cho phép bọn di thần nhà Minh vào Nam. Chi tiết đáng chú ý
là đoàn chiến thuyền này được đưa vào Nam có người hướng dẫn. Đây là
cuộc hướng dẫn thần tình, chứng tỏ thời chúa Nguyễn bản đồ và khung
cảnh ở đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long được nghiên cứu khá
tường tận. Chúa Nguyễn và người hướng dẫn đã đánh giá đúng mức giá trị
chiến lược của vùng Mỹ Tho và vùng Biên Hòa — nơi bọn di thần nhà
Minh được phép đến định cư — sự đánh giá ấy mãi đến sau này vẫn còn là