đúng.
Miền Nam vẫn còn hai nơi quan trọng khác ở phía Tây và Tây Nam. Năm
1699, Nguyễn Hữu Cảnh đem binh lên tận Nam Vang để can thiệp về quân
sự. Chuyến về vào khoảng tháng tư năm canh thìn (1700), ông cho quân sĩ
theo dòng Tiền Giang, trú đóng tại Cái Sao (vùng chợ Thủ của Long
Xuyên) “Ba quân bị phát bịnh dịch và ông cũng bị nhiễm bịnh”. Thời gian
trú quân ở đây là hơn nửa tháng, binh kéo đi hai ngày sau là ông mất. “Ông
có công dẹp yên Cao Miên rồi khai thác đất này”. Ai trực tiếp khai thác ?
Chắc chắn là số binh sĩ bị bịnh, hoặc một số tình nguyện ở lại vùng Cái Sao
mà khai thác trước khi đất đai này được vua Cao Miên nhượng cho. Bấy
giờ nhóm này sống cheo leo bên kia sông Tiền. họ được gọi là dân Hai
Huyện, trực thuộc phủ Gia Định từ xưa.
Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân thừa lịnh hành quân lên Cao Miên để đánh
quân Xiêm, khi trở về lại cho trú quân ở Vũng Gù (nay là Tân An) lập đồn
điền, “làm thủ xướng cho quân dân”, đắp đồn và đào kinh cho rạch Vũng
Gù và rạch Mỹ Tho ăn thông với nhau, nối liền sông Vàm Cỏ Tây qua
Tiền Giang.
Về phía Vịnh Xiêm La, khoảng năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ
Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành
thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho
ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông
Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.
Trần Thắng Tài (Đồng Nai), Dương Ngạn Địch (Mỹ Tho), Nguyễn Hữu
Cảnh (Tiền Giang), Nguyễn Cửu Vân (Vàm Cỏ), Mặc Cửu (Hà Tiên) và
quân dân đã đi những bước tiên phong trong thời gian ngắn. Nhóm di thần
nhà Minh và dân Việt thật sự làm ruộng và định cư nơi đất lạ. Bao nhiêu
khó khăn dồn dập xảy tới : cuộc tranh chấp về quân sự với người Cao
Miên, người Xiêm. Mãi đến 134 năm sau (1834), vùng đất mà ông Nguyễn
Hữu Cảnh
khai sáng còn gặp chinh chiến với quân Xiêm, mặc dầu cuộc Nam tiến
hoàn tất vào năm 1759. Lại còn việc tranh chấp dằng dai với anh em Tây
Sơn, khiến việc khẩn hoang bị đình trệ hoặc hư hại.