Tiến thấy người ở quê hương đến chơi, mừng rỡ vô cùng, sai người ra đón
vào trong dinh tiếp đãi tử tế.
Văn-Thông chào mừng Hoàng-Tiến một cách đằm thắm, trước còn nói
mấy câu hàn huyên, rồi dần dần nói đến việc quân tình. Hoàng-Tiến nói :
« Tôi vẫn được nghe tiếng tiên-sinh mà chưa được tiếp kiến lần nào. Nay
tiên sinh hạ cố đến đây, chẳng hay ý muốn dạy bảo cho điều gì chăng ? »
Trương lão gia nói : « Tôi nghe tướng quân có trí lớn, lại gập phải lúc
nguy hiểm này, vậy nên tôi muốn đến giúp tướng-quân ».
Hoàng-Tiến mừng lắm, sai bầy tiệc để tiếp đãi. Trong khi uống rượu
hỏi rằng : « Tiên-sinh có kế gì hay, giúp cho tôi được nên việc thì xin dạy
bảo cho biết ».
- Tướng quân liệu sức mình đối với Vạn-Long thế nào ?
- Tôi xem chừng sức tôi không địch nổi với quân Nam-triều được.
- Có như thế thực. Nếu Nặc-Thu ngăn mặt trước, Vạn-Long đánh mặt
sau thì tướng quân làm thế nào ?
- Ấy tôi đương chưa biết nghĩ làm sao đấy.
- Tướng quân chẳng qua có được một vài nghìn quân, nương đậu đất
người, đánh ra thì sức địch không nổi, muốn thủ hiểm thì không có thể bền
lâu, ấy là một cái nguy cơ ở trước mắt đó. Tôi thiết tưởng quân mới được
yên ổn thì chi bằng lại tùng phục với Nam triều. Nay Nam triều sai tướng
quân làm tiên phong, đi đánh Cao-mên tướng quân nên nhân dịp này, đến
hội kiến quan Thống-tướng, trước là xin lỗi sau xin phụng mệnh đi đánh
giặc để lập công chuộc tội. Nếu bình định xong Cao-mên, Nam chúa chắc
cũng không quên công của tướng quân, hẳn lại được trấn thủ một nơi, hưởng
cuộc phú quý, có phải là lưỡng toàn cả không ?
Hoàng-Tiến nghe dịu tai bèn xin vâng nhời Trương lão gia xin đến nói
trước với Vạn-Long để định ngày đến hội, mới từ biệt mà trở ra về.
Văn-Thông trở về thuật chuyện với Vạn-Long, Vạn Long bèn chia binh
ra mai phục, rồi lại sai Văn-Thông đến hẹn ngày với Hoàng-Tiến.