Thủ đoạn cai trị tù nhân
Tiếp tục thủ đoạn và các cơ sở lao động khổ sai do thực dân Pháp để lại,
ngụy quyền Côn Đảo ra sức bóc lột tù nhân, phục vụ bộ máy trị tù, lấy tù
nuôi tù, xây dựng trại giam, làm đường sá, sân bay và các công trình quân
sự. Qua các bản phúc trình của Quản đốc nhà tù, có thể thấy được âm mưu
của địch bắt tù nhân ngày phải lao động cật lực, tối phải học tố cộng để
không còn thời gian và sức lực để tổ chức và đấu tranh.
Tuy nhiên, chế độ khổ sai ở bất cứ nơi nào cũng dễ chịu hơn là cấm cố.
Âm mưu sâu xa của địch trong việc bóc lột khổ sai thời Mỹ - ngụy nhằm
phân hóa tù nhân. Những tên quản đốc lọc lõi như Nguyễn Văn Vệ, Cao
Minh Tiếp, trong lúc đàn áp và đày ải những người chống đối ở các trại
cấm cố đến vô hạn độ thì chúng lại nới rộng chế độ khổ sai (cho hưởng hoa
lợi 40%, có lúc đến 60% rồi 100%) để lôi kéo tù nhân từ bỏ mục tiêu đấu
tranh chính trị.
Theo bài bản của Mỹ, Trung tâm Cải huấn Côn Sơn tổ chức hướng
nghiệp một số ngành nghề, song thực chất chỉ là thủ đoạn lừa mị, bóc lột và
phân hóa tù nhân. Số người được chọn hướng nghiệp phải có “hạnh kiểm
tốt” hoặc là những đối tượng chúng đang tập trung chiêu dụ theo mục tiêu
của chế độ cải huấn.
Thực chất của chế độ cải huấn là tiến hành tố cộng trong tù. Có thể nói
đây là thủ đoạn nguy hiểm nhất, đồng thời cũng là mục đích cao nhất của
Mỹ - ngụy đối với tù nhân Côn Đảo. Từ năm 1957 đến năm 1963, đối với
tù chính trị câu lưu, bọn chúa ngục Côn Đảo tiến hành đồng thời hai bước:
– Cưỡng bức ly khai cộng sản, từng bước thanh lọc số tù chính trị ngoan
cố để có những biện pháp đàn áp ngày càng khốc liệt hơn.
– Tổ chức học tố cộng triền miên, nhằm cải tạo tư tưởng, triệt hạ khí tiết,
biến những người tù chính trị thành kẻ phản bội, làm tay sai cho chúng.