Nhật Quang, Vũ Đắc Bằng dạy văn, Trần Bảo Trung dạy tiếng Bắc Kinh,
Trịnh Văn Hà dạy kỹ thuật nông nghiệp...
Mọi người tự giác học tập, theo nhu cầu, khát vọng và sở trường của
mình. Nhóm các anh Tỵ, Đô, Tín, Mè, Túc, Lý, Mười Nhỏ... phấn đấu đạt
mức phổ cập bậc tiểu học. Các anh Vũ Ngọc Chung, Trần Khắc Du, Vương
Tự Kiên, Nguyễn Văn Hai... theo học toàn diện lên bậc tú tài. Anh Phạm
Văn Bửu thì chỉ say mê học toán. Lớp toán tự học theo sách giáo khoa của
George Eve, Matignon, Lamireaud, Bontaire, Wood Beiley, sau đó tự làm
các đề thi tú tài ở các thành phố Lyon, Marseille, Toulouse, Alger,
Bordeaux bên Pháp. Thành thạo rồi thì tổ chức thi và chấm cho nhau, tự
phong bằng tú tài cho những người đỗ đạt. Anh Nguyễn Trí Tuệ, trật tự
viên làm nhiệm vụ giữ trật tự trong các buổi thi. Anh chế tạo một chiếc
đồng hồ bằng lon vải hộp, đục lỗ, khắc vạch, đổ nước đầy lúc ra đề thi, rồi
theo vạch nước rút mà tính thời gian thu bài.
Lớp kỹ thuật canh nông do kỹ sư Trịnh Văn Hà phụ trách học khá sôi
nổi. Học viên ngồi vây quanh thầy, say sưa nghe trình bày từng chuyên mục
về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách tổ chức một nông trang tập thể. Kỹ
sư Lưu Văn Lê trong một thời gian ngắn ở biệt lập cũng đóng góp cho lớp
học những kinh nghiệm thực tiễn của mình. Lớp học còn tổ chức thảo luận
về “Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười” với những ý tưởng cải tạo
vùng đất phì nhiêu này thành một vựa lúa của Đông Nam Á. Nhiều người
tự nguyện tham gia nhóm Thanh niên Đồng Tháp Mười và hẹn ước với
nhau, kháng chiến thắng lợi sẽ cùng nhau trở về cải tạo Đồng Tháp Mười
thành vựa lúa cho đất nước.
Kể chuyện là một sinh hoạt văn hóa bổ ích. Lê Hoàng Yến có biệt tài kể
chuyện trinh thám. Minh Tâm kể chuyện Nhà thờ Đức Bà Paris, Đinh Khắc
Phong tự kể về đời hoạt động cách mạng gian khổ của mình. Lý Tiên Vinh
với biệt hiệu Vinh “cát tó” nổi tiếng trong vai hề trên sân khấu Bản Chế,
nay đem lại tiếng cười lạc quan yêu đời cho khu biệt lập, đẩy những ngày
tù khổ đau ngắn lại.