Chế độ biệt lập làm suy kiệt sức khỏe tù nhân rất nhanh. Thiếu dinh
dưỡng trầm trọng, thiếu khí trời và ánh sáng là căn nguyên của các loại
bệnh mờ mắt, xơ cứng cơ bắp, sưng chân răng, lở miệng, thiếu máu, ho lao,
tê bại. Trong bức thư gửi Giám đốc ngày 11-11- 1951, bác sĩ Đờ Rôdie (De
Rozière) đã xác nhận: “Cứ 10 người tù ở biệt lập thì có 3 người tê bại.
Củng trong 10 người ấy có một người lao nặng, 7 người lao trung bình vì
thiếu máu”.
Ông đã đề nghị cho tù nhân khu biệt lập được tăng giờ phơi nắng, tăng
khẩu phần ăn, có cá tươi và rau xanh mỗi tuần 3 lần, người ốm đau được ra
nằm Nhà Thương điều trị. Trước đó tù nhân khu biệt lập ốm phải nằm riêng
ở xà lim Banh II, bệnh nặng cũng không được về Sài Gòn chữa. Anh Lê
Văn Đôi (C.11579) bị phong giật nhưng không được điều trị, co giật 48 lần
trong 24 giờ rồi trút hơi thở cuối cùng. Các anh Nguyễn Văn Mười
(C.12551), Nguyễn Văn Tình (Cas.1436), Nguyễn Văn Hà (B.2322), Trần
Chính Quyền (C. 12588), Vũ Đắc Bằng (C.1603), Trần Văn Lục (C.11808),
Nguyễn Văn Huệ, Rồi, Rinh cũng đều chết vì chế độ biệt lập, tất cả đều
chưa đến tuổi 30.
Vũ Đắc Bằng, tức Khắc Minh, án 11 năm khổ sai chết lúc 13 giờ 15 phút
ngày 29-3-1952 tại khu biệt lập. Cho đến những ngày cuối đời anh vẫn dịch
sách, làm thơ, dạy học. Nhiều vở kịch của anh đã được dàn dựng tại các
buổi văn nghệ trong tù. Nhiều bài thơ của anh được Nguyễn Sáng phổ
nhạc. Các bạn tù dựng bia mộ anh và khắc lên đó những vần thơ hay nhất
trong bài Tình không biên giới của anh mà hầu như không mấy ai không
thuộc.
Vượt lên sự khủng bố đọa đày, tù nhân khu biệt lập sống có tổ chức và
thương nhau như ruột thịt. Tù ở biệt lập chỉ có chiếc quần lót đang mặc là
được xem như của riêng, còn tất cả đều góp lại dùng chung, từ thuốc men,
áo quần, sách vở, đồ tiếp tế của gia đình đến nắm rau anh em các sơ gửi
cho. Ban chấp hành liên đoàn tù nhân khu biệt lập vận động mọi người tích
cực viết thư về nhà xin đồ tiếp tế. Tùy theo nhu cầu chung và hoàn cảnh
từng người mà có gợi ý nên xin thứ gì, nhưng chủ yếu vẫn là thuốc bổ và