Sinh viên y khoa Trần Hữu Đại bị đánh đến dập nát phổi, ho ra máu và sau
đó đã hi sinh tại nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn).
Anh Nguyễn Thanh Tâm bị đánh đập đến phát điên. Vài ngày trước khi
chết, anh thường kêu tên mẹ, tên cha, tên vợ, kêu nhiều đến nỗi số anh em
ở chuồng cọp lúc ấy thuộc hết tên tuổi, cha, mẹ, vợ anh. Tiếng kêu gào của
anh cồn cào, đau đớn, nghe xé ruột xé gan giữa đêm âm u trong chuồng cọp
lạnh vắng: “Ba má ơi! con thương ba má lắm nhưng bè lũ Mỹ - Diệm
chúng giết con rồi”.
Thấy mặt bọn gác ngục là anh hô: “Đả đảo Ngô Đình Diệm”. Gặp người
tù chính trị nào anh cũng tuyên bố: “Tao chưa phải là đảng viên nhưng tao
chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Đứa nào ly khai tao bắn. Đứa nào động
đến Hồ Chí Minh tao bắn”. Anh bắn súng miệng: “Pằng, pằng, pằng...
pằng, pằng, pằng...” cho đến lúc giọng anh nhỏ dần và lịm hẳn. Anh ngã
xuống khi mới ngoài hai mươi, độ tuổi đầy sức sống yêu đời.
Theo báo cáo đặc biệt ngày 28-6-1960 của Trưởng ty công an Côn Sơn,
từ 25-5 đến 25-6-1960 “có 4 người đã chết tại chuồng cọp. Nhân số của
Trung tâm cải huấn I lúc đó là 2.884. Riêng Trại Bác Ái có 2.591 trong đó
có 40 người bị phạt kỷ luật và 53 người chưa ly khai”.
Dám chết cho lý tưởng cao đẹp đã khó, nhưng sống, chiến đấu bảo vệ lý
tưởng trong xiềng xích, nanh vuốt, cạm bẫy của kẻ thù cũng khó khăn
không kém phần. 53 chiến sĩ còn lại đã xác định lập trường dứt khoát
không ly khai cộng sản, không đả đảo lãnh tụ của mình. Họ đã sẵn sàng hy
sinh để vẹn toàn khí tiết, để bảo vệ lý tưởng cộng sản, song kẻ thù lại
không cho họ chết một cách dễ dàng. Chúng buộc họ phải chết dần chết
mòn, chết lay chết lắt, chết từng làn da thớ thịt, chết trong đau đớn dày vò
triền miên, chết đi sống lại nhiều lần.
Không phải ai cũng có được sức chịu đựng phi thường như vậy, nhất là
khi một mình trong chuồng cọp, không có đồng đội bên mình, không có tấc
vũ khí trong tay, không có chút thông tin về ta và địch, không có một lời
chỉ dẫn hoặc cổ vũ nào của tổ chức và đồng đội.