Khi thử thách vượt quá giới hạn chịu đựng của thể xác và tinh thần, đội
ngũ trung kiên chống ly khai vơi dần, có người chết đau đớn, thê thảm, có
người không chịu đựng được phải rời đội ngũ. Mỗi người một cảnh ngộ.
Anh Phan Kiệm (tự Năm Thành) nguyên là Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn -
Gia Định trong một lần trao đổi tình hình với anh Nguyễn Đức Thuận thì bị
địch phát hiện. Chúng bắt anh đi điều tra và sau đó anh chịu chuyển hướng,
ly khai.
Anh Hoàng Dư Khương, nguyên Phó Bí thư Xứ ủy bị đánh đến tàn phế,
nằm liệt rồi chịu ra bệnh xá điều trị. Ngụy quyền Côn Đảo đã hạ thấp yêu
cầu xuống mức tối thiểu để phân hóa đội ngũ trung kiên nhất. Chúng không
bắt ký giấy ly khai, học tố cộng, hô khẩu hiệu, ký kiến nghị ủng hộ Diệm
như trước. Bọn cải huấn chỉ yêu cầu “ra bệnh xá” trị bệnh, ai gật đầu hoặc
im lặng thì chúng khiêng đi liền và xem như đã thanh toán được một “phần
tử ngoan cố” tại chuồng cọp. Gần hai chục người đã rời khỏi đội ngũ vì thủ
đoạn này.
Đi bệnh xá lúc ấy đồng nghĩa với việc chịu ly khai. Việc ra đi của các
anh Phan Kiệm, Hoàng Dư Khương và một số chiến sĩ trung kiên là một
tổn thất lớn, gây tác động tâm lý đối với số chống ly khai còn lại ở chuồng
cọp và số đã ly khai ở các trại đang vươn lên phục hồi khí tiết.
Cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi (11-11- 1960) đã báo hiệu sự
khủng hoảng trầm trọng của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Dẹp xong cuộc
đảo chính, Diệm - Nhu lại tiếp tục đàn áp các phe phái đối lập và những
người kháng chiến. Để tỏ rõ lòng trung thành với chế độ Diệm, Tỉnh trưởng
Lê Văn Thể đã tổ chức một đợt khủng bố đẫm máu nhằm thanh toán bằng
được 18 người chống li khai còn lại.
Đại úy Tăng Tư thay trung úy Nguyễn Văn Út làm Phó Tỉnh trưởng theo
Nghị định 129-NV ngày 26-12- 1960. Vừa lên chức, Tăng Tư tổ chức ngay
đợt khủng bố với mức độ tàn bạo vượt xa những lần trước. Tăng Tư cho
bọn trật tự khiêng lu lên nóc chuồng cọp, đổ đầy nước vào. Đêm đến, bọn
này bắt từng người ngồi yên một chỗ rồi xối nước lên đầu. Hơn một tháng