mặt trận đấu tranh của tù chính trị. Họ có quan hệ tốt, giúp việc cho nhiều
công chức, kể cả Phó Tỉnh trưởng Tăng Tư. Nhờ đó, số tù chính trị Hoa
kiều đã thu thập được nhiều tin tức quý từ báo, đài và từ miệng các công
chức, gác ngục.
Năm 1961, Mỹ - ngụy đánh giá công tác cải huấn đã đạt được nhiều kết
quả trong các nhà tù, kể cả Côn Sơn là nơi giam giữ các phần tử cứng đầu
nhất. Những can cứu xét tội trạng không có gì nguy hiểm được đề nghị trả
tự do. Hành động chống đối của họ được giải thích là do bị giam giữ lâu
ngày nên sinh ra bất mãn. Hai đợt trả tự do số lượng lớn diễn ra vào tháng 7
và tháng 10-1961, 75 can cứu chống ký kiến nghị “tri ân Ngô Tổng thống”
trước khi được trả tự do đã bị giữ lại Côn Đảo.
Ngày 30-8-1962, địch chuyển 500 can cứu về đất liền, trong đó có 153
can cứu mãn hạn sẽ phóng thích vào dịp Quốc khánh ngụy (26-10) và 347
can cứu sắp mãn hạn, đưa về an trí tại Trung tâm Cải huấn Phú Lợi. Lực
lượng tù chính trị Côn Đảo về Phú Lợi đã tạo ra một phong trào chống nội
quy nhà tù sôi nổi, lôi kéo nhiều tù nhân ở Phú Lợi tham gia. Bị chuyển về
Tân Hiệp (Biên Hòa), lực lượng tù chính trị đã trở thành hạt nhân đoàn kết
và tranh đấu ở nhà lao này.
Một bộ phận tù chính trị ở Côn Đảo về bị đưa đi làm ấp chiến lược ở
Năm Căn (Cà Mau) đã tổ chức vượt ngục về kháng chiến. Một bộ phận
khác được coi là “phần tử nguy hiểm” bị địch chuyển qua các nhà lao Tàng
Thơ (Huế), Thanh Tân Ồ Ồ (Quảng Trị). Đi đến đâu, lực lượng tù chính trị
Côn Đảo cũng tuyên bố chống chào cờ, chống nội quy, cổ vũ tinh thần
tranh đấu của tù nhân các nhà lao ở đất liền. Sau cùng, ngụy quyền Sài Gòn
đã gia hạn an trí, đày họ trở lại Côn Đảo (5-2-1964).