Girôngđanh do nhà báo Brixô đứng đầu. Chỉ có một bộ phận nhỏ trong
phái tả là cấp tiến nhất do những người dân chủ tư sản đại diện, chủ trương
cải cách xã hội, kinh tế và chính trị sâu sắc để phục vụ quyền lợi các tầng
lớp nhân dân rộng rãi, bao gồm cả tư sản loại nhỏ và vừa ở thành thị và
nông thôn. Họ là những người Giacôbanh. Trong Quốc hội, bao giờ họ
cũng ngồi ở chỗ cao nhất phía tả nên được gọi là Phái Núi. Là thiểu số
trong Quốc hội, nhưng họ lại có một chỗ dựa chắc chắn ở bên ngoài là câu
lạc bộ Coođơliê, những người cách mạng nhất trong câu lạc bộ Giacôbanh
do Rôbexpie lãnh đạo và được đại đa số quần chúng ủng hộ. Do đó họ hiểu
sâu sắc sự cần thiết của cuộc cải cách xã hội căn bản. Sức mạnh của họ
chính là ở mối liên hệ với quần chúng nhân dân đông đảo bên ngoài Quốc
hội.
Phái hữu với 246 ghế thuộc nhóm Phơiăng chiếm đa số trong Quốc
hội lập pháp không giải quyết được vấn đề gì căn bản có lợi cho quần
chúng. Không thỏa mãn trước chính sách ruộng đất, nông dân nhiều vùng
đứng dậy đấu tranh đòi Quốc hội ban hành các sắc lệnh mới. Đồng thời,
những cuộc đấu tranh về lương thực liên tiếp nổ ra trong suốt nửa sau của
năm 1791 và mùa xuân 1792. Quần chúng, nhất là nông dân, đấu tranh
chống nạn đầu cơ lúa mì và chống việc tăng giá hàng hóa. Ở Pari và các
thành phố, công nhân và dân nghèo đập phá các cửa hiệu, chống việc tăng
giá quá mức các mặt hàng thiết yếu như bông, bột mì, đường… Làn sóng
công phẫn lan tràn khắp miền Bắc và miền Nam nước Pháp. Tình hình đó
chứng tỏ lòng bất mãn của nhân dân đối với Quốc hội lập pháp, đã khiến
cho Chính phủ lập hiến của phái Phơiăng bị đổ. Ngày 23-3-1792, nhà vua
buộc phải lập chính phủ mới bao gồm nhiều bộ trưởng phái Girôngđanh.
Nguy cơ chiến tranh và cao trào bảo vệ Tổ quốc trong quần chúng
Đầu năm 1792, chiến tranh đã trở thành một vấn đề nóng bỏng trước
mắt làm cho mọi người phải quan tâm. Song thái độ của mỗi tầng lớp lại
khác nhau tùy theo quan điểm chính trị của họ. Bè lũ phản động đứng đầu
là Luy XVI hy vọng nước Pháp cách mạng sẽ thất bại trong cuộc chiến