tranh, nhờ đó sẽ hồi phục toàn bộ chế độ chuyên chế và trật tự phong kiến.
Bọn quý tộc di cư và giáo sĩ phản động tập hợp thành một đội quân 15 ngàn
người sẵn sàng tấn công nước Pháp cách mạng. Nhóm Phơiăng có thái độ
không thống nhất, vừa muốn tiến hành những cuộc chiến tranh nhỏ với bọn
quý tộc di cư và các nước đối thủ nhỏ, dễ thắng lợi, gây được uy thế chính
trị, lại vừa sợ những cuộc xung đột lớn với các cường quốc châu Âu. Phái
Girôngđanh, đại diện cho đại tư sản công thương thấy rằng chiến tranh
không chỉ là một phương tiện tự vệ mà còn là một con đường giành lấy
những món lợi kinh tế ở châu Âu và giành lấy ưu thế chính trị trong nước.
Phái Núi cũng như nhiều hội viên các câu lạc bộ dân chủ cách mạng hiểu
rất rõ sự cần thiết của một cuộc chiến tranh tự vệ. Nhưng trong hoàn cảnh
mà quyền lực chính trị đang ở trong tay đối thủ của họ và quyền chỉ huy
quân sự thuộc về bọn sĩ quan phản cách mạng thì chiến tranh hết sức nguy
hiểm. Rôbexpie vạch mặt bọn phản động đang nằm trong nước và đòi hỏi
phải tiêu diệt chúng trước khi tiến hành chiến tranh.
Những người Girôngđanh là bộ phận tuyên truyền tích cực nhất cho
chiến tranh. Ngày 20-4-1792, nước Pháp tuyên chiến với Áo. Việc nước
Pháp tuyên chiến trước hoàn toàn không thay đổi tính chất của cuộc chiến
tranh.
Lênin đã khẳng định “Tất cả mọi người đều coi chiến tranh đó là
chiến tranh chính nghĩa, tự vệ và chiến tranh đó cũng thật sự là như thế.
Nước Pháp cách mạng tự vệ chống châu Âu quân chủ phản động”.
Nhưng ngay từ trước, hoàng hậu Mari Antoannét đã bí mật chuyển
cho nước Áo toàn bộ kế hoạch của chiến dịch. Quân Pháp do tướng tá phản
động chỉ huy bị thua phải rút lui.
Luy XVI lợi dụng quyền phủ quyết đình chỉ do Hiến pháp 1791 quy
định đã không phê chuẩn sắc lệnh thành lập đội quân tình nguyện 20 vạn
người, thải hồi các bộ trưởng Girôngđanh và gọi phái Phơiăng ra cầm
quyền.