Giacôbanh… Như vậy, cuộc khởi nghĩa nhân dân ngày 10-8-1792 chẳng
những đã lật đổ nền quân chủ lập hiến và ngôi vua mà còn chấm dứt sự
thống trị của bọn đại tư sản phản động. Phái Phơiăng bộc lộ hoàn toàn thái
độ phản cách mạng và tiếp tay cho bọn xâm lược.
Công xã Pari và các chiến thắng quân sự
Ngày 19-8, 80 vạn quân Phổ vượt biên giới tràn vào lãnh thổ Pháp và
hạ thành
Vecđoong ngày 2-9. Cửa ngõ Pari bị mở toang. Các thế lực phản động
châu Âu (Áo, Phổ, Anh, Tây Ban Nha…) câu kết thành liên minh chống
Pháp. Ngay trong hàng ngũ tướng lĩnh và sĩ quan quân đội Pháp cũng còn
nhiều phần tử bảo hoàng phản động có liên hệ với bọn quý tộc di cư. Số
phận nước Pháp thực là nguy kịch. Trước tình hình đó, Công xã Pari lên
tiếng động viên nhân dân đứng dậy bảo vệ Tổ quốc. Lời hiệu triệu của
Công xã bay đi khắp nơi: “Hãy cầm lấy vũ khí ! Hỡi nhân dân, hãy cầm lấy
vũ khí ! Quân thù đã tới ngưỡng cửa!”. Các tiểu đoàn tình nguyện được
thành lập rất nhanh. Già trẻ, lớn, bé mỗi người một việc đều tham gia cứu
nước. Trong giờ phút nguy nan, những người Girôngđanh do dự, muốn bỏ
chạy khỏi Pari, nhưng những người Giacôbanh tỏ ra kiên quyết và dũng
cảm. Trong khi các đạo quân tình nguyện tiến ra mặt trận, Công xã tiến
hành trấn áp bọn phản cách mạng. Chỉ trong ba ngày đầu tháng 9, nhân dân
đã xử tử hơn 1.000 tên phản động. Cuộc khủng bố đó chính là những hành
động cần thiết để tự vệ của nhân dân nhằm bảo đảm cách mạng thắng lợi.
Ngày 20-9, trên một ngọn đồi ở làng Vanmy (tỉnh Sămpanhơ) một trận
ác chiến đã diễn ra giữa quân Pháp và Phổ. Lần đầu tiên quân Phổ phải bỏ
chạy. Chiến thắng Vanmy làm nức lòng nhân dân, cục diện chiến tranh thay
đổi hẳn. Quân Pháp tấn công vào Bỉ, xâm chiếm vùng trung lưu sông Ranh
(Phổ) và chiếm Savoa (đông nam nước Pháp). Nước Pháp đã được cứu
thoát nhờ tấm lòng ái quốc nhiệt thành của hàng triệu người dân và nhờ sự
lãnh đạo kiên quyết của Công xã và nhóm Giacôbanh.