Trái lại, phái Girôngđanh, đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp tư
sản công thương nghiệp và tư sản ruộng đất. Họ đã nắm được chính quyền,
đã đoạt được những thành quả của cuộc khởi nghĩa 10-8 nên họ không
muốn cách mạng tiến xa hơn nữa, sợ hãi sự phát triển của lực lượng quần
chúng sẽ uy hiếp đến quyền lợi và địa vị của họ. Cho nên họ trở thành lực
lượng bảo thủ, dần dần chuyển sang lập trường đối địch trước những đòi
hỏi của quần chúng.
Điều đó làm cho sự xung đột giữa phái Girôngđanh và Giacôbanh là
điều không thể tránh khỏi.
Cuối năm 1792, số phận của nhà vua trở thành một vấn đề tranh chấp
quyết liệt vì người ta phát hiện một tủ sắt giấu trong bức tường điện
Tuynlơri những tài liệu của Luy XVI thông đồng bí mật với nước ngoài và
bọn di cư nhằm phản bội Tổ quốc. Phái Giacôbanh đứng về lập trường của
Công xã và đại đa số quần chúng đòi xử tử vua. Ngược lại, phái
Girôngđanh muốn cứu vãn vua liền đề nghị đưa ra Hiệp hội dân tộc với hy
vọng đa số đại biểu sẽ khoan hồng. Thực chất, đây không phải là vấn đề đối
xử với cá nhân Luy XVI mà là thái độ chính trị đối với cách mạng và nền
quân chủ. Dưới áp lực của quần chúng, tháng 121792, tòa án của Hiệp hội
dân tộc quyết định xử tử vua. Ngày 21-1-1793, Luy XVI lên đoạn đầu đài.
Làn sóng công phẫn trong nhân dân. Phái “Điên dại”
Chiến tranh làm cho tình trạng kinh tế nước Pháp sa sút hẳn. Thị
trường trong và ngoài nước bị thu hẹp, sản xuất sút kém, tín phiếu lạm phát
quá nhiều nên sụt giá nhanh chóng, công nhân và thợ thủ công không có
lương. Trong khi đó, bọn phú nông, địa chủ và bọn con buôn đầu cơ tích
trữ lúa mì, bán đắt lên gấp ba lần. Đời sống trong các thành phố trở nên cực
kỳ khó khăn. Từ tháng 9- 1792, nhiều nơi đã xảy ra các vụ phá kho hoặc
đánh cướp các xe lúa mì. Công nhân đấu tranh đòi tăng lương và quy định
giá cả.