Vấn đề căn bản của cách mạng là vấn đề ruộng đất vẫn không được
giải quyết. Nông dân không đủ sức chuộc lại ruộng đất bằng những món
tiền quá lớn. Hiệp hội dân tộc thông qua những sắc lệnh tháng 8-1792, quy
định chia ruộng đất của bọn di cư và ruộng công nhưng đều không được
thực hiện. Năm 1792-1793, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân lại bùng nổ
trong khắp nước Pháp. Có nơi nông dân tự ý chia công điền. Cuộc đấu
tranh giữa nông dân nghèo với tầng lớp nông dân khá giả cũng bắt đầu phát
triển.
Như vậy, chính phủ Girôngđanh đã không thực sự giải quyết những
yêu cầu cấp bách của quần chúng. Cho nên, làn sóng bất mãn ngày càng
dâng cao, làm lung lay nền thống trị của giai cấp đại tư sản.
Quyền lợi của quần chúng được phản ánh rõ rệt trong nhóm những
người vận động nhân dân như Giắccơ Ru, Lơclee, Vaclê… Họ bị chính
quyền Girôngđanh thù ghét, gán cho biệt hiệu phái “Điên dại” và từ đó nó
cũng trở thành một danh từ lịch sử khi nói tới họ. Phái “Điên dại” là nhóm
tả nhất trong phái dân chủ cách mạng, đại diện cho quyền lợi của tầng lớp
dân nghèo - tiền vô sản. Dưới một hình thức mơ hồ, có khi mâu thuẫn, các
yêu sách của họ phản ánh ý nguyện chưa tự giác của những tầng lớp đang
muốn thoát khỏi ách bóc lột, đi tìm một trật tự xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn.
Họ muốn san bằng tài sản, chia đều của cải mà không tiêu diệt chế độ tư
hữu. Họ đòi quy định giá tối đa và khủng bố bọn gian thương đầu cơ. Yêu
sách của họ dừng lại ở chỗ đòi hỏi một chế độ phân phối công bằng chứ
chưa tấn công vào cơ sở chế độ tư hữu tài sản.
Chính quyền Girôngđanh căm ghét và truy nã họ. Những người
Giacôbanh lúc đầu không tán thành chính sách giá tối đa. Nhưng sau thấy
rằng nếu không ủng hộ những yêu cầu của dân nghèo thì không thể nào
chiến thắng kẻ thù được, họ liền hưởng ứng và làm áp lực đối với Hiệp hội
dân tộc. Cho nên đối với Giacôbanh thì việc ủng hộ phái “Điên dại” chỉ là
vấn đề sách lược. Ngày 4-5-1793, Hiệp hội ra sắc lệnh quy định giá lúa mì
trong toàn quốc. Đó là kết quả đầu tiên của việc tạm thời nhích lại gần phái
“Điên dại” của những người Giacôbanh.